Ủy ban Quốc phòng- An ninh: Làm rõ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp giữa Biên phòng và Hải quan

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (25/3) khi cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Luật Hải quan quy định: Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải... Trong ảnh, cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng. Ảnh: T.Bình

Luật Hải quan quy định: Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải... Trong ảnh, cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng. Ảnh: T.Bình

Dễ gây hiểu lầm

Liên quan đến nhiệm vụ biên phòng (Điều 5) và nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 15), báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh chỉ rõ: Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 15), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật dễ gây hiểu lầm là kiểm soát toàn bộ cả người, phương tiện, hàng hóa dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hải quan theo Luật Hải quan năm 2014 và nhiều Điều ước quốc tế có liên quan, nên đề nghị quy định cụ thể về đối tượng kiểm soát.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các nhiệm vụ khác cho phù hợp với vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng tại Điều 14 dự thảo Luật.

Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, theo khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật thì “Biên phòng” không phải là chủ thể quan hệ pháp luật, chỉ các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mới có trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới.

Mặt khác, các nhiệm vụ này đã được quy định tại Điều 10, khoản 1 Điều 31 và Điều 35, 36 Luật Biên giới quốc gia; đồng thời Chương VI dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, nên đề nghị bỏ Điều này hoặc sửa lại tên điều là “Công tác biên phòng” và chỉnh lý nội dung cho phù hợp.

Cũng liên quan đến Điều 5, có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của khái niệm “nhiệm vụ biên phòng” làm cơ sở xác định cơ quan chủ trì và bổ sung nội dung quy định việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều này.

Ý kiến khác cho rằng, để thực thi nhiệm vụ biên phòng và để thống nhất, tương xứng với quy định về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, cần quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tất cả các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng như Công an, Hải quan…

Về hai nội dung nêu trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát, chỉnh lý nội dung hai điều này để tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm tính khả thi.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định nhiệm vụ chủ trì, phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và Hải quan trong kiểm soát người và phương tiện qua cửa khẩu.

Liên quan đến dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, trong quá trình lấy ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã có văn bản tham gia ý kiến.

Tại văn bản số 148/BTC-VI ngày 4/1/2019 và văn bản 11493/BTC-VI ngày 27/9/2019 khi tham gia ý kiến dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tài chính nêu ý kiến: Việc quy định như dự thảo (khoản 4 Điều 15 và khoản 2 Điều 16-PV) đang chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện do cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Mặt khác, tại Báo cáo thẩm định số 266/BCTĐ-BTP ngày 19/12/2019 của Bộ Tư pháp, khi xem xét tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật cũng nêu rõ: Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định cụ thể và quy định liên quan đến hoạt động biên phòng như Luật Biên giới quốc gia, Luật Hải quan... Do đó, các quy định tại dự thảo cần được rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định liên quan.

Còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhiều luật

Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh nêu: Một số ý kiến cơ bản nhất trí như dự thảo Luật.

Nhưng, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể chế đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia; nhiều nội dung còn chồng chéo hoặc chưa thống nhất với các luật khác như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Hải quan, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biển Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản...

Có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: Khoản 2 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ là liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên cần quy định cụ thể ngay trong luật hoặc dẫn chiếu theo quy định của Luật An ninh quốc gia.

Hay, quy định Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ “phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật” tại khoản 3 Điều 15 là chưa phù hợp với Điều 67 Hiến pháp và khoản 1 Điều 26 Luật Quốc phòng, Điều 3 Luật Công an nhân dân.

Quy định cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được quyền trưng dụng một số loại tài sản tại khoản 6 Điều 16 là chưa phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản…

Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-lam-ro-nhiem-vu-chu-tri-phoi-hop-giua-bien-phong-va-hai-quan-123084.html