Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp phiên toàn thể thứ 7

Chiều 18.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã họp phiên toàn thể lần thứ 7.

Quang cảnh Phiên họp - Ảnh: Trung Thành

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu
tại Phiên họp - Ảnh: Trung Thành

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, để chủ động và bảo đảm sự toàn diện, chất lượng của các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra chính thức dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Tờ trình số 51/TTr-CP ngày 28.2.2023 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và kết luận cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ, ngày 28.2.2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 51/TTr-CP về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm theo trình tự xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp.

Tiếp đó, ngày 13.4.2023, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật này và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới. Sau phiên họp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và đã có Báo cáo số 145/BC-CP về tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với Ủy ban và Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến sâu sắc, trí tuệ, cởi mở để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: Trung Thành

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 31 điều. Trong đó, về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.

Dự thảo Luật cũng quy định tiêu chuẩn để lựa chọn gồm có: Lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền. Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ, không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh trình bày
Báo cáo thẩm tra - Ảnh: Trung Thành

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật do Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh trình bày cho biết, việc ban hành dự thảo Luật này là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng tại Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5.9.2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần quán triệt nguyên tắc không làm tăng biên chế và ngân sách Nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở hiện nay.

Về vị trí, chức năng (Điều 2), Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật, bởi nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý thu ý kiến đại biểu Quốc hội, có sự điều chỉnh cơ bản so với dự thảo Luật trình Quốc hội Khóa XIV. Có ý kiến đề nghị, làm rõ hơn tính chất “tự nguyện” và vai trò “nòng cốt trong hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn”; từ đó, bổ sung các quy định cụ thể tương ứng trong dự thảo Luật.

Cơ bản nhất trí với Tờ trình và dự thảo báo cáo thẩm tra, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, phù hợp quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

Do dự thảo Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và các lực lượng khác ở cơ sở nên một số đại biểu đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cân nhắc một số quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng này, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi khi thực hiện.

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-hop-phien-toan-the-thu-7-i329162/