Ủy ban Tài chính-Ngân sách: Cần quy định trách nhiệm công vụ với người có thẩm quyền xóa nợ thuế

Sáng nay 8/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Ông Nguyễn Đức Hải.

Bổ sung quyền nhận biên bản thanh, kiểm tra

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS), Hồ sơ trình dự án Luật đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vì phạm vi sửa đổi lần này khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng. Tuy nhiên, để có cơ sở thẩm tra, đánh giá và để các ĐBQH có căn cứ, xem xét cho ý kiến đối với từng nội dung, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn về cơ sở, nguyên nhân và lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong Luật hiện hành.

Cơ quan thẩm tra cũng cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật.

Về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, Ủy ban TCNS đề nghị cần bố cục, sắp xếp theo từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý thuế, người nộp thuế. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định hành vi bị cấm đối với cơ quan, tổ chức liên quan, do đó cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với nội dung về xây dựng lực lượng quản lý thuế trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cán bộ công chức quản lý thuế cũng là cán bộ công chức, viên chức nên các vấn đề về phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn cán bộ… đã được quy định tại Luật Cán bộ công chức, vì vậy, không cần thiết phải có quy định riêng tại Điều 10 của Luật này.

Bên cạnh những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong việc quản lý thuế, Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Quốc hội sẽ thảo luận về dự Luật này tại tổ vào ngày 12/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 16/11 tới đây.

Về nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện việc quyết toán thuế tại các doanh nghiệp có quy mô lớn (căn cứ trên cơ sở vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận, số nộp NSNN hàng năm) và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Băn khoăn thời hạn xóa nợ thuế sau 10 năm

Nội dung về khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt cũng được cơ quan thẩm tra tham gia khá kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật về các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiến hành khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho các doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Đồng thời, áp dụng cho các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp nêu trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với nội dung này. Song có ý kiến cho rằng, việc xác định các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi chưa được định lượng rõ ràng, thời gian 10 năm có thể dẫn đến việc lợi dụng, trốn thuế trong khi người nộp thuế vẫn còn tài sản. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật, theo đó Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2020, riêng về thời điểm hiệu lực thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2020.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/uy-ban-tai-chinh-ngan-sach-can-quy-dinh-trach-nhiem-cong-vu-doi-voi-nguoi-co-tham-quyen-xoa-no-thue.aspx