Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp phiên toàn thể

Sáng 3.6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã họp phiên toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại các phiên họp toàn thể ngày 23.5 và ngày 24.5 vừa qua. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện hai dự luật này để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại Kỳ họp thứ Năm đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 đại biểu góp ý bằng văn bản về các nội dung của dự án Luật Giá (sửa đổi); có 23 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu góp ý bằng văn bản về các nội dung của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Các ý kiến cơ bản đều thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cũng nêu thêm một số vấn đề quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về: Quỹ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá, trong đó có giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, giá sách giáo khoa; thẩm định giá; các hành vi bị cấm… Với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các nội dung về phạm vi đấu thầu với doanh nghiệp Nhà nước và công ty con của doanh nghiệp Nhà nước, dự án sử dụng vốn Nhà nước được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và nhận được sự quan tâm của xã hội thời gian qua. Ngoài ra, một số nội dung như: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; các hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu; mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng là những nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho biết, ngay sau phiên họp toàn thể vừa qua của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia và làm việc trực tiếp với các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án tiếp thu, chỉnh lý các nội dung của hai dự án Luật. Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị các thành viên Ủy ban tập trung cho ý kiến đối với phương án tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật. Qua đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa, giải trình rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ căn cứ các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất của dự luật trình Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã góp ý cụ thể về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), tập trung vào các nội dung về: giải thích từ ngữ; công khai thông tin; các hành vi bị cấm; bình ổn giá; biện pháp định giá Nhà nước; hội đồng thẩm định giá, thẩm định giá… Trong đó, một số ý kiến lưu ý, khái niệm giá là khái niệm trung tâm và xuất phát điểm của Luật, nhưng định nghĩa giá thị trường hiện chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. Khái niệm trong dự thảo Luật chưa bao quát hết các yếu tố hình thành giá sát thực tế. Do vậy, các đại biểu đề nghị, cần giải thích rõ hơn khái niệm giá thị trường, yếu tố hình thành giá trong dự thảo Luật.

Tại Kỳ họp thứ Tư, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Đây là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn và có ảnh hưởng đến đời sống người dân, chiếm khoảng 3,5% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). So với các mặt hàng khác thì khả năng tái đàn để tái tạo nguồn cung thịt lợn chậm hơn, trong khi thực tiễn thời gian qua cũng đã phát sinh hiện tượng giá thịt lợn biến động bất thường. Do vậy, dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm đã tiếp thu đề xuất bổ sung mặt hàng thịt lợn vào danh mục hàng hóa sẽ thực hiện bình ổn giá trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 18 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể ngày 23.5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên cân nhắc việc đưa mặt hàng thịt lợn vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về vấn đề này, nhiều đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tán thành phương án bỏ thịt lợn và cả mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; đồng thời đề nghị, chỉ đưa hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục này nếu thực sự thấy rõ nhu cầu phải thực hiện hình ổn giá trong thực tiễn, có vướng mắc trong quản lý. Ngoài ra, một số ý kiến lưu ý, việc đưa thịt lợn vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần đánh giá tác động với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta, vốn là lực lượng quan trọng cung cấp loại hàng hóa này cho thị trường trong nước.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, đại diện Thường trực các Ủy ban Xã hội, Pháp luật... để hoàn thiện dự thảo Luật. Với những nội dung còn có băn khoăn, cần giải trình thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định, sau Phiên họp này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý để có phương án tốt nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tại Phiên họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đã cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-tai-chinh--ngan-sach-hop-phien-toan-the-i331256/