Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 28

Chiều 17-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 28.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 28, quyết định một số vấn đề quan trọng theo thẩm quyền. Cho ý kiến các báo cáo về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn; báo cáo về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân, kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; cho ý kiến về công tác nhân sự và về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trước đó, Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ Kỳ họp thứ 5 đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường trách nhiệm nêu gương.

Tuy nhiên, cử tri phản ánh việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương không theo quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép. Việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch, giá bồi thường chưa phù hợp. Còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Vì thế, đề nghị tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường đối thoại, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cử tri hoan nghênh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, nhân dân lo lắng việc sắp xếp lại bộ máy ở một số nơi còn thiếu đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy; một số nơi còn sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức. Do đó, các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo thống nhất trong toàn hệ thống từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đến địa phương, cơ sở; thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy. Và bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều này thể hiện qua việc đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng, “lợi ích nhóm” gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-be-mac-phien-hop-thu-28/