Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung trong năm 2023

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung.

Chiều 14/12, báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát 3 nguyên tắc.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 14/12.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 14/12.

Cụ thể, tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác.

Theo nguyên tắc này, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ, 2 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 2 phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

"Trên cơ sở đó, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác", ông Cường nêu rõ.

Ông Bùi Văn Cường cũng nêu một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2030; cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); một số nội dung về tài chính, ngân sách; xem xét một số báo cáo tại phiên họp; xem xét, cho ý kiến đối với Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM…

Sau khi nghe 5 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đánh giá cao và cơ bản đồng tình với công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội bảo đảm việc xây dựng chương trình công tác đúng quy định, quy trình, được chuẩn bị công phu, bài bản, lấy ý kiến của 18 cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Về xây dựng chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá việc xây dựng và thực hiện chương trình năm trước, theo đó đánh giá trong năm dự kiến như thế nào, mức độ thực hiện như thế nào, khối lượng công việc phát sinh mới, điều chỉnh nhiệm vụ như thế nào. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngay cả ở những kỳ họp, phiên họp được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất nhưng vẫn có sự điều chỉnh chương trình, mặc dù cần có sự linh hoạt nhưng đây là những vấn đề khắc phục.

Ông Vương Đình Huệ cũng ghi nhận trong năm 2021 và 2022 do bối cảnh tình hình đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp đột xuất nhiều để quyết định các vấn đề về phòng, chống dịch. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thêm phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật bảo đảm bám sát chức năng nhiệm vụ. Với sự chuẩn bị tốt bảo đảm được chất lượng của các phiên họp.

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, khoảng 2 phiên/năm vào tháng 4 và tháng 9 chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội. Thời gian mỗi phiên họp thường kỳ ít nhất 2 ngày và nên bố trí 1 ngày dự phòng với mỗi phiên.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-quyet-dinh-hon-80-noi-dung-trong-nam-2023-ar720711.html