Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bàn tiếp Luật Đặc khu

Trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 8/8/2018 sẽ không có chương trình làm việc về Luật Đặc khu kinh tế.

Ngày 3/8/2018, trên trang thông tin điện tử chính thức của Văn phòng Quốc hội đã phát đi thông báo về dự kiến chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị diễn ra từ ngày 8 - 13/8/2018.

Phiên họp sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của một số dự án luật như dự án Luật Trồng trọt, dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Kiến trúc.

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xét xét về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu kinh tế).

Đây là dự án luật đã được điều chỉnh thời gian thông qua từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) sang kỳ họp sau của Quốc hội để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét Luật Đặc khu kinh tế trong phiên họp thứ 26.

Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt “đang được cân nhắc lại”. Việc tiếp tục xem xét dự án luật này, theo Tổng thư ký Quốc hội, còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri một cách rất thận trọng.

Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 2 Bộ trưởng trả lời chất vấn.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Với vấn đề công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-chua-ban-tiep-luat-dac-khu-3363129/