ỦY BAN TƯ PHÁP GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT ÁN HÀNH CHÍNH - RÕ THỰC TRẠNG, RÕ ĐỊA CHỈ

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 29/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề 'Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân'.

Ủy ban Tư pháp họp Phiên toàn thể lần thứ 6: Thẩm tra Pháp lệnh xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương và kết quả giám sát địa phương về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND).

Về tình hình khiếu kiện QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, số lượng các QĐHC, HVHC bị khiếu kiện trên tổng số QĐHC, HVHC là không nhiều. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 03 năm (2019- 2021), số QĐHC, HVHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), UBND bị khởi kiện chiếm 9% tổng số khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước (2015-2017), tình hình khiếu kiện hành chính trong 03 năm gần đây (2019 - 2021) tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong đó, số lượng khiếu kiện hành chính tăng 3,1% trên tổng số khiếu nại hành chính so với giai đoạn trước. Địa bàn khiếu kiện vẫn chủ yếu tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Kiên Giang, Long An, Quảng Ninh, Thanh Hóa.... Lĩnh vực khiếu kiện vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thậm chí có địa phương gần 100% QĐHC, HVHC bị khiếu kiện liên đến đất đai. Cùng với đó, số QĐHC, HVHC bị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước.

Việc chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, về cơ bản, Chủ tịch UBND, UBND các địa phương đã có sự quan tâm đối với công tác giải các quyết vụ án hành chính. Có 52 địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan có liên quan tại địa phương nhằm tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính; 15 Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc thành trung ương đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày báo cáo giám sát

Qua tổng hợp báo cáo gửi đến Đoàn giám sát cũng cho thấy một số địa phương, UBND, Chủ tịch UBND thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính. Như tại Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận, Sơn La, Vĩnh Long là những địa phương có đại diện tham gia đầy đủ 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa; hay tại Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Lai Châu, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Bình…Chủ tịch UBND, UBND đã tham gia hoặc hoặc cử đại diện tham gia 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa xét xử các vụ án hành chính. Một số địa phương, mặc dù số lượng án hành chính khá lớn, nhưng vẫn bố trí tham gia phần lớn phiên đối thoại, mặt phiên tòa.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm qua là tình trạng Chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Phổ biến tình trạng UBND, Chủ tịch UBND không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của Tòa án nhân dân làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân khởi kiện. Đáng lưu ý, những hạn chế nêu trên đều đã kéo dài qua nhiều năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Về chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND trong thi hành các vụ án hành chính, trong kì giám sát, số bản án, quyết định được thi hành xong tăng so với giai đoạn trước và kết quả thi hành xong năm sau cao hơn năm trước. Một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã chú trọng, thực hiện tốt tiến trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc người phải thi hành án thuộc quyền quản lý trong thi hành án hành chính. Tuy nhiên, số lượng bản án hành chính chưa thi hành xong còn lớn. Các đại phương có số lượng án chưa được thi hành, còn tồn đọng lớn như Hà Nội, Kiên Giang, Đắk Lắk…

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, mặc dù số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành tồn đọng rất lớn, nhưng chưa có trường hợp nào người đứng đầu cơ quan có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án bị xử lý trách nhiệm.

Về những nguyên nhân của tồn tại hạn chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, về khách quan, các QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện hầu hết liên quan đến lĩnh vực đất đai, là lĩnh vực rất phức tạp. Chính sách, pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại, tái định cư được ban hành qua nhiều giai đoạn, quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, thường xuyên có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế, gây khó khăn cho UBND các cấp trong việc nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định của pháp luật để áp dụng thống nhất trên thực tế. Công tác quản lý đất đai của UBND các cấp còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là công tác thống kê, kiểm kê, lập và quản lý hồ sơ địa chính, xử lý vi phạm về đất đai còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 được Chính phủ và các ngành phản ánh chưa phù hợp, khó khăn trong áp dụng như thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ...

Mặt khác, khối lượng công việc quản lý nhà nước tại một số địa phương rất lớn, số lượng cấp phó có hạn mà thời gian giải quyết một vụ án hành chính kéo dài từ 4 đến 6 tháng hoặc lâu hơn, trong khi phạm vi chỉ được ủy quyền đến Phó Chủ tịch UBND cũng làm ảnh hưởng đến việc tham gia tố tụng.

Toàn cảnh phiên họp

Về chủ quan, một số người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong một số vụ việc còn chưa xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan nội dung, bản chất của vụ việc và các quy định pháp luật dẫn đến ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC trái pháp luật; khi phát sinh khiếu nại của người dân thì chưa xem xét thấu đáo vụ việc để kịp thời khắc phục; khi người dân khiếu kiện đến Tòa án, phát sinh thủ tục tụng thì không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa; khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì lại không chấp hành án. Khi ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, thì lại không kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người được ủy quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức làm công tác tham mưu ban hành QĐHC, thực hiện HVHC còn hạn chế; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong xác minh thực tế vụ việc, chưa nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật trước khi tham mưu, thậm chí có trường hợp còn thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ. Trình độ, năng lực của một số Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên được giao nhiệm vụ giải quyết, theo dõi thi hành án và kiểm sát việc giải quyết, thi hành án hành chính còn hạn chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, trước đây Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành giám sát về nội dung này trong giai đoạn 2015-2017. Tái giám sát lần này nhằm đánh giá lại tình hình, xem xét việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nội dung giám sát của Ủy ban Tư pháp, nhất trí với các nội dung báo cáo tổng hợp bước đầu của Ủy ban Tư pháp về đánh giá tình hình, tồn tại hạn chế và nguyên nhân; đồng thời cho rằng kết quả giám sát sẽ góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ quan hữu quan và người đứng đầu các cơ quan trong việc giải quyết các vụ án hành chính, giúp Tòa án đẩy nhanh giải quyết vụ án. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá thêm chất lượng QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND và UBND; đánh giá việc chấp hành pháp luật tòa giải quyết vụ án hành chính và chấp hành bản án, quyết định của tòa án; đánh giá tỉ lệ và chất lượng giải quyết của Tòa án; đánh giá hiệu quả công tác kiểm sát án hành chính ở giải quyết và thi hành án hành chính; việc theo dõi đôn đốc của cơ quan thi hành án; việc chấp hành văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đắk Lắk cho rằng báo cáo tổng hợp tương đối toàn diện, phản ánh tương đối sát với tình hình thực tiễn, các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019-2021. Đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để có những định hướng cụ thể, chi tiết cho địa phương thực hiện.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu tại phiên họp

Quan tâm đến số liệu QĐHC, HVHC bị khởi kiện kiện tăng lên và số QĐHC bị tuyên hủy cũng tăng thêm so với giai đoạn trước, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt chỉ rõ trong đánh giá nguyên nhân của tình hình trên đều là những nguyên nhân đã được chỉ ra trong lần giám sát trước. Do đó cần làm rõ và phân tích nguyên nhân của tình trạng tăng lên, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chính.

Đại biểu cũng đặt vấn đề về trách nhiệm thực thi công vụ trong việc tham mưu ban hành QĐHC, HVHC bị khởi kiện, bị tuyên hủy cũng như trong việc thi hành khi mà chưa có trường hợp nào xem xét xử lý trách nhiệm; nhiều án tồn đọng chưa được kiên quyết xử lý triệt để bên cạnh việc đặt vấn đề về năng lực, trình độ của thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên được giao nhiệm vụ thì trách nhiệm còn chưa cao, nể nang trong giải quyết. Đại biểu nhấn mạnh những nguyên nhân cần được phân tích, chỉ rõ để có giải pháp và nếu không kiên quyết thì tình hình sẽ không được khắc phục.

Cơ bản nhất trí với các nội dung tổng hợp, đánh giá tình hình được nêu trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng so với giai đoạn trước, tình hình trong giai đoạn này đã có nhiều ưu điểm hơn với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để từ đó có chuyển biến ở các địa phương. Chỉ rõ, số lượng đối thoại tại phiên tòa tăng, kết quả thi hành án hành chính tăng…, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh chuyển biến là tương đối rõ nét so với kì giám sát trước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng cần đánh giá kĩ hơn về nguyên nhân. Bộ trưởng cho biết các vụ việc đều liên quan đến đất đai. Trong khi đất đai ở nước ta chưa thực sự bám sát cơ chế thị trường, khi đó, việc dung hòa, bảo đảm cân bằng lợi ích các bên (người dân – doanh nghiệp – cơ quan nhà nước) khi ra QĐHC là vô cùng khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp kỳ vọng trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai tình hình sẽ được cải thiện. Cùng với đó, trong thời gian tới cần đồng bộ các giải pháp và quyết tâm nỗ lực của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương, người đứng đầu, gắn với cơ chế công khai thông tin, đánh giá cán bộ…Bộ trưởng cũng nêu rõ với trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến các đại biểu tại phiên họp từ đó nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát./.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Nguyệt Thu

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Mỹ Dung

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Lý Văn Huấn

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến báo cáo tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên họp

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66981