Uy lực pháo tự hành 2S7M Malka: Vũ khí có thể thổi bay boongke bằng 1 phát bắn

Pháo tự hành 2S7M Malka có khả năng bắn đạn xuyên bê tông, phát bắn có thể phá hủy cả một tòa nhà, boongke. Ngoài ra nó cũng có thể sử dụng đạn hóa học và đạn hạt nhân.

Nhà sản xuất UralTransMash - một công ty con của tập đoàn chế tạo xe tăng - thiết giáp nổi tiếng UralVagonZavod vừa cho biết đã chuyển giao một lô pháo tự hành 2S7M Malka phiên bản mới cho quân đội Nga trước thời hạn.

Pháo tự hành 2S7M Malka. Ảnh: Army Recognition

Pháo tự hành 2S7M Malka. Ảnh: Army Recognition

Ông Dmitry Semizorov, Giám đốc điều hành của Uraltransmash nêu rõ, khả năng cơ động và khả năng kiểm soát của hệ thống đã gia tăng đáng kể sau quá trình nâng cấp.

2S7M Malka là phiên bản nâng cấp của pháo tự hành 2S7 Pion, phát triển từ những năm 1980 và hiện giờ vẫn được coi là một trong những loại pháo mạnh nhất thế giới.

2S7 Pion từng được triển khai lần đầu tiên trong Chiến tranh Liên Xô – Afghanistan (1979-1989). Sau đó các lực lượng Nga đã sử dụng vũ khí này trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất và lần thứ hai. Quân đội Gruzia cũng đã trang bị 6 khẩu pháo 2S7 trong cuộc xung đột với Nga năm 2008, nhưng tất cả đều bị quân đội Nga thu giữ. Moscow đã phá hủy 5 khẩu trong số này và chỉ giữ lại 1 khẩu.

Theo thống kê của trang Military Balance 2021, Nga có tổng cộng 320 khẩu pháo tự hành 2S7 trong kho dự trữ, trong đó có 260 khẩu phiên bản cũ 2S7M và 60 khẩu phiên bản hiện đại hóa 2S7M Malka. Ukraine có khoảng 100 khẩu, được kế thừa từ thời Liên Xô, trong đó 13 khẩu đang được đưa vào hoạt động.

Ukraine đã tái triển khai pháo 2S7 vào năm 2014 sau khi các lực lượng nước này bị phe ly khai ở khu vực Donbass tấn công. Một số báo cáo cho biết, ở thời điểm đó, quân đội Ukraine đã lấy ra ít nhất 13 khẩu 2S7 từ kho chứa và đưa chúng đến nhà máy sửa chữa Shepetivka ở Rivne để bảo trì và nâng cấp. Còn các lực lượng Nga đã trang bị vũ khí này ở khu vực Belgorod, do Lữ đoàn pháo binh số 45 gần thành phố Kharkov ở miền Đông Ukraine vận hành.

Hiện Nga được cho là đang tích cực sử dụng 2S7M Malka trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Mùa Xuân năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải một số video về hoạt động của hệ thống Malka. Vũ khí này được sử dụng kết hợp với máy bay không người lái Orlan-10.

Một thành viên trong đơn vị vận hành pháo tự hành Malka cho biết: “Chúng tôi đang tấn công binh sỹ, vũ khí và công sự của đối phương, chẳng hạn như boong-ke”. Ông khẳng định, một đòn tấn công của Malka là đủ để thổi bay một boong-ke 3 hoặc 5 tầng.

Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy pháo tự hành Malka phá hủy lựu pháo M777 mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Bộ này cho biết: “Lực lượng pháo binh của Quân khu miền Tây đã phá hủy các cứ điểm của đối phương, bắn trúng khẩu pháo M777 của Mỹ được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Ukraine. Lựu pháo của Mỹ có kích thước nhỏ, cơ động và có thể bắn ở khoảng cách xa. Nhưng hỏa lực, tầm bắn, độ chính xác cao và tốc độ nhắm bắn mục tiêu của Malka khiến mọi ưu điểm của pháo phương Tây đều trở nên vô dụng”.

Tính năng chính

Tổ hợp 2S7 gồm một pháo 2A44 cỡ nòng 203 mm đặt trên khung gầm xe bánh xích bọc thép. Khi được biên chế vào năm 1976, 2S7 trở thành loại pháo thông thường có uy lực lớn nhất thế giới. Ban đầu nó có tên gọi là Pion (trong tiếng Nga là hoa mẫu đơn), nhưng sau khi được nâng cấp về khung gầm, động cơ, hệ thống nạp đạn và hệ thống điều khiển hỏa lực vào năm 1983, pháo được đổi tên thành 2S7M Malka.

Hệ thống pháo này được thiết kế để phá hủy các mục tiêu chiến lược của đối phương nằm sâu trong tuyến phòng thủ. Phiên bản mới có tốc độ bắn tăng lên 2,5 phát/phút và cơ số đạn dự trữ nhiều gấp đôi so với mẫu 2S7 nguyên gốc. Nó có trọng lượng 46 tấn và tốc độ di chuyển trên đường là 60 km /h. Kíp lái gồm 6 người. Việc nâng cấp nhằm mục đích tăng khả năng sống sót của kíp lái, cải thiện khả năng bắn cũng như khả năng chiến thuật của hệ thống trong chiến đấu.

Trước đó vào năm 2018, Nga đã biên chế 12 hệ thống Malka cho đơn vị pháo binh của Quân khu miền Trung đóng tại vùng Kemerov. Các binh sĩ Nga đã sử dụng hệ thống Malka trong các cuộc tập trận để thực hành triển khai vũ khí, tấn công mục tiêu, củng cố tuyến phòng thủ và ngụy trang cho hệ thống pháo binh.

2S7 có tầm bắn 37,5 km nếu sử dụng đạn thông thường, và tầm bắn sẽ tăng lên 47,5 km nếu trang bị đạn tăng tầm bằng rocket (RAP). Theo RT, 2S7M Malka có khả năng bắn đạn xuyên bê tông, phát bắn có thể phá hủy cả một tòa nhà được sử dụng như một pháo đài, sử dụng đạn hóa học, cũng như đạn hạt nhân. Tập đoàn Rosatom của Nga đã trưng bày bản mô phỏng của đạn hạt nhân sử dụng cho Malka tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2022. Đạn hạt nhân RD5-1 203mm, có đương lượng nổ 2.000 tấn TNT. Loại đạn này được thiết kế để dành riêng cho hệ thống pháo B-4M, nhưng cũng phù hợp với các loại pháo khác có cùng cỡ nòng, chẳng hạn như Malka.

Hiện, nhà sản xuất đang thực hiện các công việc nhằm phát triển loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao cho hệ thống Malka. Tổng biên tập tạp chí Arsenal of the Father, ông Viktor Murakhovsky cho biết: “Các loại đạn có độ chính xác cao dựa trên nhiều công nghệ khác nhau, chẳng hạn như đạn dẫn đường bằng vệ tinh, đang được phát triển. Kết quả là pháo Malka sẽ trở thành một vũ khí chính xác cao. Ở tầm bắn vài chục km, nó chỉ cần sử dụng 1 hoặc 2 quả đạn để bắn trúng các mục tiêu chiến lược của đối phương”.

Ông Viktor Murakhovsky lưu ý, việc số hóa các hệ thống điều khiển cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với những hệ thống pháo công suất lớn: “Việc hiện đại hóa như vậy có thể khiến các tiểu đoàn pháo binh dễ dàng phối hợp với những hệ thống trinh sát, chiến đấu của quân đội”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/uy-luc-phao-tu-hanh-2s7m-malka-vu-khi-co-the-thoi-bay-boongke-bang-1-phat-ban-post978012.vov