Uy tín kinh doanh Hồng Kông sẽ bị phá hủy mãi mãi vì các cuộc biểu tình?

Các cuộc biểu tình gây ra nhiều tổn hại kinh tế, kinh tế Hồng Kông có thể suy thoái. Có thể nhận thấy rõ điều đó từ việc hàng trăm chuyến bay bị hủy, các tuyến tàu điện ngầm bị gián đoạn.

Ảnh: Nikkei

Hồng Kông đang đối diện với quá nhiều rắc rối.

Sau hai tháng biểu tình, bạo động, hoạt động kinh doanh bị đình đốn, nhà đầu tư đang thể hiện quan điểm chán nản với cách phản ứng của cảnh sát Hồng Kông, sự phản ứng của công chúng và việc chính quyền thành phố không giải quyết được mối lo của người dân gây tổn hại đến niềm tin kinh doanh, chuyên gia thuộc Fitch nhận định.

Thông điệp từ giới chức Trung Quốc không khiến cho công chúng hài lòng. Theo một nhà chức trách địa phương, cách duy nhất để Hồng Kông không bị rơi vào thảm họa chính là người biểu tình phải lùi bước hoặc sẽ phải đối đầu với hành động quân sự.

Ông Zhang đã so sánh cuộc biểu tình hiện nay của người Hồng Kông với cuộc cách mạng màu từng càn quét Đông Âu và Trung Đông. Nếu người biểu tình và cả chính phủ Trung Quốc, thông qua chính quyền thành phố, không có nhượng bộ, chính quyền thành phố có thể phải chấp nhận rằng uy tín kinh doanh của Hồng Kông bị phá hủy mãi mãi.

Các cuộc biểu tình gây ra nhiều tổn hại kinh tế, kinh tế Hồng Kông có thể suy thoái. Có thể nhận thấy rõ điều đó từ việc hàng trăm chuyến bay bị hủy, các tuyến tàu điện ngầm bị gián đoạn, các trung tâm thương mại trống trơn và hàng loạt chương trình du lịch bị hủy.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông gần đây không ngừng giảm điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm hơn 9% tính từ đầu tháng 7/2019.

Thế nhưng thay vì lắng dịu, bất ổn tại Hồng Kông đang ngày một lan rộng. Bắt đầu từ ngày 2/8/2019, hàng nghìn công chức cũng xuống đường biểu tình, điều chưa từng có trước đây.

Đến ngày 5/8/2019, họ quyết định làm trái lệnh của chính quyền thành phố về việc cần giữ quan điểm chính trị trung lập, như vậy họ đã có quan điểm chính trị chung với nhiều luật sư và nhà hoạt động sinh viên làm việc trong ngành hàng không, xây dựng, giáo dục, tài chính, y tế, bán lẻ và kể cả người làm việc trong ngành giải trí.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra không chỉ thách thức cách phản ứng của Bắc Kinh mà còn cả khả năng ứng phó của chính quyền Hồng Kông.

Chỉ số Gini, chỉ số đo bất bình đẳng tại Hồng Kông, chốt năm 2018 ở mức cao nhất trong 45 năm. Việc kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ là nguyên nhân trực tiếp đằng sau việc Hồng Kông trở nên ngày một bất bình đẳng. Người giàu có của Trung Quốc đại lục đua nhau đổ tiền sang Hồng Kông mua bất động sản. Chi phí nhà ở hiện đã vượt quá tầm với của người trung lưu Hồng Kông, đặc biệt nhiều người trẻ.

Chính điều này từng khiến cho hàng chục nghìn người Hồng Kông đổ xuống đường vào năm 2014 và nó cũng chính là một phần nguyên nhân đằng sau các cuộc biểu tình hiện tại.

Nhà đầu tư tài chính đương nhiên không hài lòng với những gì đang diễn ra. Cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và kinh doanh trung tâm mua sắm sụt giảm. Cổ phiếu Swire Properties, công ty sở hữu nhiều bất động sản văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm, giảm 18% tính từ giữa tháng 6/2019.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/uy-tin-kinh-doanh-hong-kong-se-bi-pha-huy-mai-mai-vi-cac-cuoc-bieu-tinh-3516994.html