Uy tín-quyền lực bộ đôi Trump-Kim nhìn từ Quốc khánh Triều Tiên

Từ lễ mừng Quốc khánh lại tại Triều Tiên, có thể thấy cả về uy tin và quyền lực, Tổng thống Trump không thể so sánh với Chủ tịch Kim Jong-un...

Triều Tiên tổ chức lễ Quốc khánh lần thứ 70 rất khác lạ so với trước đây

Triều Tiên vẫn tổ chức lễ diễu bình hoành tráng mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (9/9/1948-9/9/2018), nhưng hoàn toàn không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ nữa, mà chỉ có các đơn vị tác chiến tầm ngắn.

Việc không triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa trong cuộc diễu binh lần này được cho là Bình Nhưỡng muốn phát đi tín hiệu thiện chí và chân thành trong nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm "Quốc khánh hòa bình" cũng là sự chứng tỏ định hướng chú trọng vào phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong thời gian tới.

Lễ diễu binh không tên lửa đạn đạo mừng Quốc khánh Triều Tiên lần thứ 70

Triều Tiên đã mời nhiều chính khách và nhiều nhà báo quốc tế đến Bình Nhưỡng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày Quốc khánh, trong đó có ông Lật Chiến Thư, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Bộ chính Trị, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.

Còn trước đó ngày 7/9, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Valentino Matvienko cũng đã tới Bình Nhưỡng để tham dự các sự kiện nhân dịp Quốc khánh Triều Tiên và có cuộc gặp Chủ tịch Kim Jong-un.

Ngoài ra còn có các phái đoàn đến từ các tổ chức quốc tế tới Bình Nhưỡng để tham dự sự kiện này như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của LHQ.

Và các phái đoàn đại diện đến từ các quốc gia như Azerbaijan, Singapore, Nam Phi, Namibian, Gyuana, Nepal, Brunei, Ethiopia, Mozambique, Thụy Điển, Myanmar, Bangladesh, Thụy Sỹ, Zambia, Philippines, Thái Lan và Serbia.

Trước nay, Bình Nhưỡng thường tận dụng các ngày lễ lớn, như Quốc khánh, thành lập Đảng hay sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành để để phô diễn năng lực quân sự và những tiến bộ mới nhất trong công nghệ hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên kỷ niệm 70 năm Quốc khánh đã khác. Đây được nhận diện là dịp nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định vị thế của cá nhân ông cũng như quảng bá hình ảnh và vị thế của Triều Tiên, qua đó thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chính quyền Triều Tiên đã khai thác tối đa "hiệu ứng quốc tế" trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Tối ngày 8/9, một buổi hòa nhạc đã được tổ chức với sự tham dự của các vị khách quốc tế - một sự kiện lớn chưa từng được tổ chức tại xứ Bắc Hàn.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng mở cửa cho truyền thông nước ngoài tới thăm các cơ sở kinh tế-văn hóa-xã hội chủ chốt, các di tích lịch sử, trong bối cảnh Chủ tịch Kim Jong-un cam kết thúc đẩy kinh tế thay vì phát triển kỹ thuật hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và khách quốc tế tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên

Vì vậy, không chỉ chờ đợi đưa tin về hoạt động chính là cuộc diễu binh, các phóng viên nước ngoài đã được giới thiệu và tham quan các nhà máy sản xuất của Triều Tiên hay các trường Đại học, trong đó trường Đại học Sư phạm Bình Nhưỡng.

Như thường lệ, trước khi tới dự lễ diễu binh kỷ niệm Quốc khánh, sáng ngày 9/9 nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm Điện Mặt trời Kumsusan, nơi yên nghỉ của các vị lãnh đạo tiền bối Kim Jong-il và Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).

Tuy nhiên, trong lễ diễu binh nhà lãnh đạo trẻ chỉ quan sát từ một ban công nhìn ra Quảng trường Kim Nhật Thành, mà không có bài phát biểu như mọi khi. Năm nay việc này được giao cho Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Kim Yong-nam.

Qua lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên, rõ ràng chính quyền Bình Nhưỡng và cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có sự thay đổi rất lớn trong quan điểm và hành động, khi rất cởi trong khẳng định mình và đưa đất nước hòa nhập với thế giới.

Từ Quốc khánh khác lạ tại Triều Tiên, cảm nhận về uy tín và quyền lực của bộ đôi Donald Trump - Kim Jong-un

Lễ diễu binh không tên lửa đạn đạo là lễ diễu binh đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 vừa qua tại Singapore.

Trước khi buổi lễ mừng Quốc khánh lần thứ 70 diễn ra và trước khi cuộc diễu binh được tổ chức, khác với trước đây, truyền thông Triều Tiên gần như im lặng về sự kiện chính trị quan trọng này.

Khi buổi lễ diễn ra và cuộc diễu binh được tiến hành, cả thế giới ngạc nhiên về "độ lạ" của Bình Nhưỡng và Kim Jong-un. Từ bên kia Thái Bình Dương, người đứng đầu Nhà Trắng đã tỏ ra rất vui mừng và có lời khen nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn.

Trên trang Twitter cá nhân, vị tổng thống doanh nhân viết: "Triều Tiên vừa thực hiện một cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh mà không phô diễn các tên lửa hạt nhân như thường lệ. Chủ đề là hòa bình và phát triển kinh tế".

Trump - Kim ký Thỏa thuận Mỹ-Triều

"Giới chuyên gia tin rằng, Triều Tiên đã bỏ tên lửa hạt nhân để chứng minh với Tổng thống Trump. Đây là một thông điệp rất tích cực từ Triều Tiên. Cảm ơn ngài Chủ tịch Kim. Chúng ta sẽ chứng minh mọi người đã sai", ông Trump nhấn mạnh.

Xin nhắc lại ngày 12/6/2018, trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã ký Thỏa thuận Mỹ -Triều, đánh dấu quan hệ Mỹ-Triều sang trang mới.

Thỏa thuận Mỹ-Triều với 4 nội dung cốt lõi được cho là rất phù hợp với những gì mà Washington theo đuổi 15 năm qua, kể từ khi Bình Nhưỡng công bố tham vọng hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vào năm 2003.

Một là, Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/uy-tin-quyen-luc-bo-doi-trump-kim-nhin-tu-quoc-khanh-trieu-tien-3365204/