Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CẦN THAM GIA CHỐNG THAM NHŨNG THEO CHIỀU SÂU

Văn hiến đăng lại bài viết này khi được tin nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ trần.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng tiếp phóng viên Văn hiến tại phòng làm việc của đồng chí ở Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Việt Long

Một buổi chiều cuối tháng 5, theo lời hẹn, tôi vào Văn phòng Chính phủ làm việc với đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Qua một cái sân nhỏ, dưới ánh nắng vàng rực rỡ, tôi cảm thấy khoan khoái bởi bắt gặp cây đại bên đường đang rải xuống nền gạch những bông hoa trắng ngà, tỏa ra mùi thơm tinh khiết. Đi theo một hành lang nhỏ của ngôi nhà kính, tôi vào phòng làm việc có ghi "Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng", một căn phòng giản dị, đến mức đơn sơ, không hoành tráng, sang trọng như nhiều căn phòng làm việc của các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng mà tôi đã từng vào. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng và một cán bộ trẻ đã ngồi bên bàn chờ tôi. Chủ đề của buổi làm việc là văn học nghệ thuật với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Cảm giác đầu tiên của tôi đối với đồng chí lãnh đạo cao cấp này là sự mộc mạc, giản dị. Ông mặc cái áo sơ mi mầu xanh da trời, chiếc quần mầu tím than, ngồi bên chiếc bàn và bộ ghế loại sản xuất hàng loạt, khá đơn giản. Với nụ cười cởi mở, ông mời tôi uống nước và nói:

- Hôm qua, ngày chủ nhật, tôi đang rất mệt, nhưng vẫn sang dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Hội Nhà văn nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung rất quan trọng, rất nhạy cảm, cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhiều khi, một tác phẩm văn học nghệ thuật có sức mạnh bằng cả một binh đoàn.

Đầy cảm hứng với chủ đề văn học nghệ thuật, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nói một cách say sưa:

- Bản thân tôi, khi từ biệt gia đình lên đường kháng chiến, cũng được văn học nghệ thuật động viên rất nhiều.

Để chứng minh sự thật này, ông đọc một loạt bài thơ về tinh thần yêu nước, về chí nam nhi, về niềm tin ở thắng lợi của cuộc kháng chiến mà ông đã thuộc lòng từ thời trai trẻ. Tôi không ghi chép được hết, chỉ ghi mấy câu như sau:

"Đi, không có nghĩa đi để chết

Chờ, đâu phải chờ hết hương nồng

Đã vì nghĩa vụ núi sông

Đi tươi lẽ sống, cho hồng tơ duyên

Ngày tạm biệt nào riêng ta có

Biết bao người cùng khổ chia ly..."

Ông tâm sự: "Những bài thơ ấy giúp cho mình tin tưởng, thủy chung để tham gia kháng chiến cứu nước tới ngày toàn thắng."

Qua cách nói năng, tôi hiểu rằng ông không thích đi vào những khái niệm to tát mà muốn nêu lên những công việc cụ thể cần làm để giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông mới tổ chức triển khai tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí cho cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố, cho nên ông như đang sống trong không khí quyết tâm của đội ngũ cán bộ này. Ông đưa cho tôi xem những bộ tài liệu được đóng cẩn thận và nói:

- Nghị quyết của Trung ương "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí" được triển khai rất rộng. Đợt này có 600 đồng chí cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành về dự, có tỉnh đi tới 7 người. Các cơ quan trung ương cũng đang triển khai. Muốn tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng phải nắm vững tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Ông nói khá kỹ về quá trình xây dựng Nghị quyết và những nội dung cơ bản của Nghị quyết. Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ X, Bộ Chính trị xác định rõ: muốn phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả thì trước hết phải phòng, chống ngay trong nội bộ Đảng - nước phải trong từ đầu nguồn. Cho nên, chỉ sau khi bế mạc Đại hội Đảng 24 ngày, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Xây dựng Đề án, và sau đó 3 tháng 3 ngày đã xây dựng xong Nghị quyết. Chưa bao giờ Trung ương ban hành một Nghị quyết như vậy và cũng chưa bao giờ Nghị quyết được soạn thảo nhanh, với chất lượng tốt, và được thông qua nhanh như thế. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta chống tham nhũng, lãng phí, một quyết tâm "chống giặc từ bên trong". Tên đầy đủ của Nghị quyết là "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vói công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Mục tiêu của Nghị quyết là: "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính". Đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh rằng Chính phủ đã nhanh chóng thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết thành các văn bản mang tính pháp quy, như Quy định về minh bạch, công khai tài sản, về quà biếu, quà tặng, về mua sắm tài sản công... Những việc làm đó trước mắt mang tính răn đe, rồi dần dần sẽ tạo ra nền nếp trong cuộc sống của cán bộ công chức. Đồng chí nêu lên 10 biện pháp để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó nhấn mạnh đến biện pháp tuyên truyền, giáo dục và biện pháp nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng chí nói một cách tâm huyết rằng vai trò của cán bộ đứng đầu cơ quan hết sức quan trọng. Nếu cán bộ đứng đầu cơ quan mà gương mẫu thì cả cơ quan noi theo. Ngược lại, nếu cán bộ đứng đầu cơ quan chỉ lo thu vén quyền lợi cá nhân thì cơ quan khó mà vững mạnh. Cũng bởi có vị trí quan trọng như vậy, cho nên người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng tham nhũng, lãng phí tại nơi mình lãnh đạo. Về công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng chí coi trọng vai trò của báo chí, văn học, nghệ thuật, thông tin. Đồng chí nói:

- Vừa qua, báo chí đã đóng góp phần quan trọng đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Có nhiều tờ báo rất dũng cảm. Về văn học, nghệ thuật, đòi hỏi phải có chiều sâu hơn, cho nên văn học nghệ thuật cần tham gia đấu tranh chống tham nhũng theo chiều sâu. Trước hết, nhận thức của chính các nhà văn, các nghệ sĩ về tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước phải sâu sắc, đồng thời phải bám sát thực tiễn, để từ đó tạo nên các tác phẩm sống động, có sức lay động lòng người. Phải từ những gương tích cực trong cuộc sống mà tạo nên những nhân vật tích cực, xây dựng nên những hình tượng mang tính thuyết phục cao. Phải hiểu sâu sắc về những kẻ tiêu cực để xây dựng nên những nhân vật phản diện khiến bạn đọc căm ghét, phỉ nhổ. Cũng phải viết về những cái chua cay, khiến lòng người trằn trọc, suy nghĩ, thấm thía. Nhưng dù viết về mặt phải hay mặt trái, đều phải viết đúng, viết trúng, không được thêu dệt, bịa đặt, và quan trọng là phải chỉ ra được hướng phát triển, chứ không dẫn dắt công chúng đến chỗ bế tắc.

Ông nói thêm:

- Văn học ngày nay vẫn phải tiếp tục con đường của cha ông, đó là "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà".

Trở lại chuyện chính sự, cũng là việc có liên quan đến văn học nghệ thuật, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nói:

- Thể hiện tính nghiêm minh của kỷ cương và pháp luật, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí đã đề nghị khởi tố vụ tiêu cực ở Tổng công ty Mía - Đường. Sắp tới, chúng ta tiếp tục xử một số vụ án đang được dư luận quan tâm, như Tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Nguyễn Đức Chi (Khánh Hòa), Tổng công ty Dầu khí liên quan đến Thanh tra Nhà nước, PMU18, Quán Nam (Hải Phòng)... Công việc bề bộn lắm!

Dừng lại một chút, đồng chí Trương Vĩnh Trọng cười hồn hậu rồi nói với vẻ chân thực như một lời tâm sự:

- Công việc nhiều và căng như vậy, cho nên rất cần người làm việc. Ban đang còn thiếu người. Hay là nhà văn đầu quân lên đây tham gia chống tham nhũng nhé!

Đó là một lời nói đùa, nhưng cũng thể hiện niềm khao khát của người lãnh đạo muốn có được nhiều cán bộ có tâm huyết và năng lực sát cánh cùng mình trong cuộc đấu tranh chống "Quốc nạn", đưa đất nước đi lên.

Cuối buổi làm việc, đồng chí Trương Vĩnh Trọng khẳng định:

- Đảng luôn luôn tạo điều kiện cho các Hội Văn học nghệ thuật phát triển. Chính Phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng để văn nghệ sĩ có thể đóng góp được nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới.

Gọi tên tôi một cách thân mật, đồng chí Trương Vĩnh Trọng bảo:

- Còn với nhà văn, thì không chỉ gặp một buổi như hôm nay, mà có thể nhiều buổi nữa. Khi nào cần, đồng chí cứ báo, tôi sẽ tiếp. Đồng chí cần làm việc thêm với Vụ Khiếu nại - tố cáo để có thêm tài liệu!

Chia tay đồng chí Trương Vĩnh Trọng thì đã quá giờ làm việc lâu rồi. Đi qua sân của Văn phòng Chính phủ, tôi lại ngất ngây trong mùi hoa đại đậm đà mà tinh khiết, một mùi phảng phất chất Phật, gợi đến một khung cảnh chùa chiền chay tịnh và bình yên...

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Ngày 19/2, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trương Vĩnh Trọng, sinh năm 1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, ông đã từ trần vào hồi 3 giờ 25 phút ngày 19/2 tại nhà riêng, ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Ông Trương Vĩnh Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa X; Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng Khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X.

Ông giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2011; là đại biểu Quốc hội Khóa VIII, XI.

(TTXVN/Vietnam+)

Phạm Việt Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/uy-vien-bo-chinh-tri-pho-thu-tuong-chinh-phu-truong-vinh-trong--van-hoc-nghe-thuat-can-tham-gia-chong-tham-nhung-theo-chieu-sau-82532