V-League chấp nhận đá không khán giả

Làng bóng Việt Nam đang nóng lòng trở lại hoạt động, có thể đá trên sân không khán giả hơn là ngồi chơi xơi nước trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn là mối hiểm họa.

Sau khi VPF có thông báo lịch thi đấu dự kiến ngày 15-5 sẽ lăn bóng Cúp Quốc gia và năm ngày sau V-League tái xuất, các CLB đã bắt đầu chiến dịch tập luyện để sẵn sàng cuộc chơi. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương bắt buộc thực hiện giãn cách xã hội đến đầu tháng 5 mới có thể tập trung huấn luyện đầy đủ và việc duy trì thể lực chỉ mong chờ vào ý thức tự giác của cầu thủ.

Hầu hết CLB sau ngày 22-4 có thông báo ở địa phương nguy cơ dịch bệnh thấp đã trút đi nỗi lo lắng vẫn thực hiện nghiêm ngặt quy định về kiểm tra y tế, cẩn thận khử trùng môi trường tập luyện. Nhiều đội bóng dễ thở hơn khi nới lỏng giãn cách đã đối phó tập luyện bằng từng nhóm nhỏ, trừ Hà Nội và TP.HCM có tổng cộng bốn đội bóng; hay Than Quảng Ninh vẫn từng ngày nghe ngóng chờ hội quân.

Trong khi đó, cái khó nhất của các nhà làm giải là không có quyền tự quyết mở hay đóng cửa sân bóng mà cần tuân thủ quy định y tế của cơ quan chức năng. Việc toàn quốc công bố hết hoàn toàn dịch bệnh COVID-19 là không biết đến bao giờ nên các sân không thể mạo hiểm mở cửa bình thường. Điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho ban tổ chức lẫn CLB vì không trả đủ quyền lợi cho nhà tài trợ khiến nguồn tài chính ít nhiều hao hụt. Tuy nhiên, đó không phải là điều quá đáng lo hơn việc bóng ngừng lăn sẽ làm ngưng trệ cả một nền bóng đá và hao tổn vật chất nhiều hơn nữa.

V-League tiếp tục trở lại trong tình trạng không khán giả. Ảnh: NGỌC DUNG

V-League tiếp tục trở lại trong tình trạng không khán giả. Ảnh: NGỌC DUNG

V-League từng diễn ra hai vòng đấu không có khán giả dù các trận đấu vẫn truyền hình trực tiếp. Nó làm gia giảm hưng phấn của giới cầu thủ rất nhiều do thiếu sự cổ vũ, còn các CLB không có nguồn thu từ bán vé. Nhưng rơi vào trường hợp bất khả kháng vì dịch COVID-19, bóng lăn trở lại giúp họ duy trì hoạt động nghề nghiệp còn hơn không có việc gì làm.

Thực chất các cầu thủ sẽ không quá khó sau 3-4 tuần nhồi thể lực để tìm lại phong độ cao. Vấn đề còn lại của ban tổ chức giải và trận đấu là phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những thành phần tham gia bóng đá với khả năng phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm khi các giải đấu khởi tranh.

Nhiều sân bóng từng làm quen với điều kiện tổ chức không khán giả như hai vòng đầu V-League trải nghiệm nên sẽ không bỡ ngỡ và sẵn sàng cho cuộc chơi trở lại.

Chạy đua với thời gian

V-League tính đến ngày 10-5 mới tái khởi động là mất hơn hai tháng, có thể sẽ dồn lịch thi đấu nhiều để dành thời gian cho các giải đấu khác và đặc biệt cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí V-League sẽ không có quãng nghỉ giữa mùa như thường lệ mà chủ yếu tranh thủ trong thời điểm HLV Park Hang-seo tập trung đội tuyển. Chỉ có hai CLB Than Quảng Ninh và TP.HCM sẽ đối diện với lịch đấu dày hơn khi phải căng mình ra chơi vòng bảng AFC Cup. Mật độ thi đấu sẽ giãn ra vào dịp cuối năm, trừ các tuyển thủ quốc gia sẽ lần lượt đá vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á và tiếp tục bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020 nếu không có gì thay đổi.

GIA HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/vleague-chap-nhan-da-khong-khan-gia-908328.html