V-League ra sao khi trở lại?

Giải bóng đá VĐQG, LS V-League 2020 dự kiến trở lại sớm nhất cuối tháng 5. Nhiều vấn đề liên quan việc tổ chức giải vẫn chưa được thống nhất.

Các đội bóng nóng lòng chờ V-League trở lại ngay sau khi hết dịch ảnh: HỮU PHẠM

Các đội bóng nóng lòng chờ V-League trở lại ngay sau khi hết dịch ảnh: HỮU PHẠM

Trong thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hôm 16/4, bóng đá Việt Nam sẽ trở lại bằng các trận đấu thuộc Cúp Quốc gia 2020 hôm 15/5 với điều kiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo lịch thi đấu, vòng sơ loại Cúp Quốc gia 2020, 5 trận mở màn gồm: An Giang - Long An, Bà Rịa Vũng Tàu - Sài Gòn, Huế - SHB Đà Nẵng, Phố Hiến - Thanh Hóa và SLNA - Bình Định. Việc VPF ra thông báo sớm nhằm giúp các đội bóng có sự chuẩn bị, chủ động trong tập luyện.

Được chú ý nhiều hơn, công tác tổ chức V-League cũng gây nhiều tranh luận, bàn cãi. Thông báo của VPF hôm 16/4 không cho biết thời điểm dự kiến V-League trở lại nhưng theo thông tin của Tiền Phong, nhiều khả năng là ngày 20/5 hoặc chậm nhất vào tuần cuối cùng của tháng 5 nếu đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thể thức thi đấu ra sao cũng chưa được thống nhất sau khi kế hoạch thi đấu tập trung tại một số tỉnh miền Bắc chưa nhận được sự nhất trí hoàn toàn từ các đội bóng.

Có thể hiểu được thế khó của VPF bởi 14 đội bóng với các hoàn cảnh khác nhau cũng có những yêu cầu riêng. Chưa kể, việc quyết định dịch có an toàn hay không lại không phụ thuộc VPF. Trên thực tế, không chỉ VPF sốt ruột chờ thông tin từ chính phủ và các ban ngành chức năng, hầu hết các CLB cũng trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Việc nghỉ thi đấu quá dài khiến cho CLB bị ảnh hưởng kế hoạch mùa giải, còn cầu thủ cũng “buồn chân”.

Đặc biệt, với các đội bóng thuộc 12 địa phương trong nhóm “nguy cơ cao” về dịch, buộc phải giải tán đội cho cầu thủ về nhà, nỗi lo càng lớn hơn. Giám đốc điều hành CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn hôm qua cho biết: “Chúng tôi vẫn đang chờ thông báo của Chính phủ và VPF để quyết định ngày đội tập trung trở lại. Hiện các cầu thủ Hà Nội vẫn được cho ở nhà. Điều kiện tập luyện chắc chắn không thể như ở đội nhưng vấn đề này buộc phải trông đợi tính tự giác của cầu thủ”.

May mắn hơn Hà Nội, Nam Định không thuộc nhóm “nguy cơ cao” nhưng cũng phải tuân thủ Chỉ thị 16 của Chính phủ liên quan phòng chống dịch COVID-19 tới hết ngày 22/4. Ban lãnh đạo đội bóng thành Nam cũng phập phồng chờ thông báo mới. HLV Nguyễn Văn Sỹ hôm qua cho biết, dự kiến đội sẽ tập trung trở lại trong ngày hôm nay để chuẩn bị cho kế hoạch tập luyện. “Chúng tôi dự kiến tập trung để chuẩn bị chờ thông báo mới, tới lúc đó mới có thể lên kế hoạch chuẩn bị cụ thể. Việc tập luyện cũng thực hiện khép kín để đảm bảo an toàn. Thực sự giải nghỉ lâu thế này ảnh hưởng quá nhiều thứ, cầu thủ cũng như BHL đội đều rất sốt ruột nhưng buộc phải chấp hành quy định”.

Theo ông Sỹ, cầu thủ không thi đấu không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập mà còn liên quan cả phong độ, chuyên môn. Về kế hoạch tổ chức giải sau dịch, ông nói rằng, quyết định cuối cùng vẫn phải phụ thuộc cơ quan chức năng. Nam Định là một trong số các đội không đồng ý đá tập trung, không có khán giả do ảnh hưởng tới thu nhập tiền vé của đội bóng. Mùa giải trước, tiền bán vé của Nam Định khoảng hơn 4 tỷ đồng, con số không nhỏ với đội bóng.

“Tôi nghĩ rằng đá tập trung không khán giả là bất khả kháng thôi, nhưng khó quá thì phải chấp nhận. Vì giải hủy hẳn ảnh hưởng rất nhiều thứ. Cầu thủ không đá bóng thì thất nghiệp, không chỉ mất thu nhập mà còn liên quan chuyên môn, phong độ thi đấu”, ông Sỹ nói. Ông cho rằng, BTC giải có thể để các địa phương quyết định việc đá có khán giả hay không, tùy theo mức độ an toàn dịch.

HAGL, Bình Dương, Thanh Hóa... hiện vẫn duy trì tập luyện để giúp cầu thủ giữ phong độ, chờ ngày V-League thi đấu trở lại. Hiện ngoài 5 đội bóng Nam Định, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cắt giảm lương cầu thủ, các đội còn lại vẫn giữ nguyên các chế độ.

V.P

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/vleague-ra-sao-khi-tro-lai-1644908.tpo