V-League: Thay đổi từ đâu?

Sau năm 2018 đầy khởi sắc, bóng đá Việt Nam bước vào năm 2019 với nhiều kỳ vọng về sự đổi thay. Đặc biệt, giải đấu này được kỳ vọng sẽ kiếm nhiều tiền từ bản quyền truyền hình, nhưng tất cả vẫn chỉ là câu chuyện 'bán như cho'.

Cả mùa giải chỉ bán được 1 tỷ đồng

Vấn đề khiến Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đau đầu nhất trước ngày khai mạc đó là... tiền. Một tuần trước ngày V-League khởi tranh, VPF vẫn kín như bưng về chuyện tài trợ. Điều này thực sự là một nghịch lý bởi sau năm 2018 thành công, V-League đáng lẽ phải tạo ra một hiệu ứng mạnh để thu hút các Mạnh thường quân đổ tiền vào bóng đá để đánh bóng thương hiệu.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú than thở: “Tôi đã bạc cả tóc vì chuyện kiếm tiền cho công ty, cho 3 giải chuyên nghiệp Việt Nam”.

Sau khi Toyota rút lui để tài trợ cho giải... Thai League tại Thái Lan, Nuti Cafe cũng chỉ gắn bó với V-League trong 1 năm rồi không gia hạn hợp đồng. V-League trong năm 2018 có nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng khán giả, nhưng như vậy là chưa đủ để thu hút các doanh nghiệp lớn đổ tiền vào sân chơi này. Thực tế thì cuối cùng VPF cũng có nhà tài trợ cho V-League vào phút cuối, nhưng mọi thông tin về giá trị hợp đồng đều được các bên giữ kín.

Vấn đề mấu chốt có lẽ nằm ở bản quyền truyền hình. Ông Trần Anh Tú cho hay, mùa giải 2018 được đối tác Next Media trả 1 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và hy vọng con số này sẽ tăng ở mùa 2019, khi có một số đối tác quốc tế đang đặt vấn đề mua bản quyền V-League 2019.

Bầu Tú nhấn mạnh, khi bản quyền truyền hình có nguồn thu lớn, mọi thứ sẽ dễ làm hơn rất nhiều. Nhìn sang Nhật Bản, giải J-League của họ bán bản quyền truyền hình được 172 triệu USD trong mùa 2018 trên tổng thu nhập 250 triệu USD. Thế nhưng với V-League, nguồn thu này vẫn ở dạng tiềm năng.

Tất nhiên, các CLB cũng phải cải thiện chất lượng mặt cỏ, khán đài… để làm sao lên hình tốt hơn khi hình ảnh giải đấu được phổ rộng ra nhiều quốc gia.

Hình ảnh như đã thấy của V-League chung quy cũng là vì tiền. Một giải đấu không có nhà tài trợ lớn và gắn bó lâu dài, một giải đấu suốt nhiều năm không thu được tiền từ bản quyền truyền hình, một giải đấu chưa thể có nguồn thu từ bán vé, bán đồ lưu niệm… rất khó có thể tạo nên một sự đột phá.

Thay đổi hình ảnh

Dù đối mặt với những khó khăn, nhưng V-League vẫn rất được chờ đợi, đó là điều không thể phủ nhận. Sự chờ đợi đó luôn là những kỳ vọng về một thay đổi mang tính cách mạng, dù vẫn còn đó những nỗi ám ảnh về chuyện trọng tài, bạo lực, tiêu cực…

Trong động thái rất tích cực, ông Trần Anh Tú đã rút lui không ngồi ghế Trưởng ban điều hành (Trưởng BTC giải), để tập trung cho công việc quản lý của một người đứng đầu VPF.

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất của bóng đá Việt Nam nói chung và hệ thống thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia nói riêng, đấy là công tác điều hành - phân công trọng tài và công việc của trọng tài.

Được biết, VPF đã làm việc với đại diện của Thai League về việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ VAR cho mùa giải 2019. Việc áp dụng VAR chính là nỗ lực nhằm hạn chế tối đa những tranh cãi liên quan đến công tác trọng tài.

Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, trong khi BTC nỗ lực nâng cao chất lượng trọng tài cũng như có sự hợp lý trong công tác trọng tài, thì các đội bóng cũng phải thể hiện sự chuyên nghiệp, người hâm mộ đến sân cổ vũ văn hóa, không gây áp lực cho đội ngũ trọng tài. V-League muốn giải quyết được vấn đề trọng tài, phải đến từ các phía.

Một vấn đề khác cũng cần có sự thay đổi, thậm chí là bắt buộc, đó là các đội bóng phải đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp của AFC. Hiện tại, mới chỉ có 5/14 CLB đáp ứng các tiêu chí này.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển bóng đá chuyên nghiệp, VFF và VPF khẳng định sẽ đặc biệt quan tâm về mặt hình ảnh cho giải đấu. Cụ thể, về vấn đề cơ sở vật chất và đặc biệt là mặt sân cỏ ở các SVĐ cần được chú trọng đầu tư. Dựa trên kinh nghiệm của CLB Hà Nội mùa giải vừa qua, mức kinh phí dành cho việc nâng cấp mặt sân vào khoảng 500-600 triệu đồng. Đây là số tiền không quá lớn, nhưng lại thay đổi được hình ảnh của trận đấu.
Về vấn đề kỷ luật, đại diện VPF và VFF nhấn mạnh, sẽ tiếp tục xử phạt nặng những CLB, ban quản lý sân để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng.

Những thay đổi thời gian qua đã giúp V-League lọt top 10 giải đấu đang phát triển tốt nhất châu Á. Tuy nhiên, những nhà quản lý kỳ vọng, sau gần 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức chuyên nghiệp và chạm mốc các tiêu chí mà AFC đưa ra.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bong-da/v-league-thay-doi-tu-dau-tintuc432882