V. League và câu chuyện cầu thủ đa năng

Vòng 8 V. League 1, cặp đấu Thành phố Hồ Chí Minh-Công an Hà Nội được coi là một trận mưa gôn với 8 bàn thắng (3-5).

Trong đó, tuyển thủ quốc gia Văn Thanh lập cú đúp và 1 kiến tạo, giúp đội khách giành thắng lợi trước chủ nhà đang rất khát điểm và ở vào vị thế nguy hiểm nhất của giải đấu.

Niềm vui của Công an Hà Nội trong trận gặp Thành phố Hồ Chí Minh.

Niềm vui của Công an Hà Nội trong trận gặp Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là niềm vui không chỉ của riêng Công an Hà Nội với chuỗi 2 trận thắng liên tiếp ở vòng 7 và 8 V-League 1, đưa đội bóng lên xếp hạng 3 tạm thời, trở lại cuộc đua vô địch, mà còn đem lại niềm vui cho ông Philippe Troussier và Đội tuyển Việt Nam trước ngày tập trung dịp FIFA Day vào tháng 6 tới.

Theo ông Da Silva Cruz - huấn luyện viên trưởng Công an Hà Nội, trong trận đấu nói trên, Văn Thanh được bố trí chơi hộ công và chơi cực hay, lập công xuất sắc. Đây là mẫu cầu thủ vừa chơi hậu vệ biên, tiền vệ biên và trung tâm, chưa kể vị trí hộ công mới mẻ nói trên. Rõ ràng, sau thời kỳ “dành cả thanh xuân để trụ hạng” ở Hoàng Anh Gia Lai, Văn Thanh đang phát huy sự đa năng vốn có của một cầu thủ được đào tạo bài bản, nhiệt huyết cống hiến và được phát huy sở trường trong một môi trường giàu tính cạnh tranh, có tham vọng lớn là Công an Hà Nội.

Một câu chuyện nữa ở V-League 2 liên quan đến phát hiện mới về một cầu thủ đa năng là trung vệ Lê Văn Hưng ở đội Quảng Nam. Được biết, trong trận đấu giữa Quảng Nam và Bình Thuận mới đây, đội bóng cựu vô địch quốc gia bị dẫn trước nhưng đã ngược dòng thành công với tỷ số 3-1, trong đó có cú đúp của trung vệ cao 1m78 Lê Văn Hưng bằng một cú đánh đầu và một cú sút hiểm hóc. Trước đó, Văn Hưng từng ghi bàn trong trận đấu gặp Sông Lam Nghệ An ở Cup Quốc gia và trận gặp Hòa Bình hồi đầu giải V-League 2.

Như vậy, qua 5 trận đấu, một trung vệ ghi tới 4 bàn thắng, 1 lần kiến tạo thì hiệu suất ghi bàn/kiến tạo không khác gì một tiền đạo, thậm chí còn hơn nhiều tiền đạo thực thụ khác. Người ta đã giới thiệu nhân tố mới cho Đội tuyển Việt Nam và chắc chắn ông Troussier phải để ý vì đây là mẫu cầu thủ đa năng, hiệu quả mà U22 Việt Nam cũng như Đội tuyển Việt Nam sẽ rất cần có trong đội hình.

Các nhà cầm quân nổi tiếng như ông Park Hang-seo trước đây cũng như ông Troussier hiện nay đều chọn quân trước hết là phong độ hiện tại, chơi đa năng, cống hiến và mẫu cầu thủ như Văn Thanh hay Văn Hưng nói trên chắc chắn sẽ được ưu tiên gọi lên đầu tiên, giữ lại cho đến cuối cùng. Đơn giản vì mỗi giải đấu thường chỉ cho quân số đăng ký từ 20-23 cầu thủ, kể cả dự phòng. Trong quá trình thi đấu, chấn thương hay thẻ phạt, ốm đau luôn song hành, nên việc điều chỉnh lực lượng đặt ra thường trực. Và chỉ có các cầu thủ đa năng mới đảm nhận tốt nhất các yêu cầu đặt ra trong cả trận đấu, hiệp đấu cũng như từng thời điểm cụ thể.

Hãy nhớ mới đây, khi chọn lực lượng đi SEA Games 32, ông Troussier từng phải loại bỏ những cầu thủ dù phong độ ổn, khá danh tiếng nhưng chỉ đảm nhận được 1 vị trí như Đức Việt - tiền vệ trung tâm hay Vỹ Hào - tiền đạo cánh. Trong khi đó, ông thầy lại chọn những cái tên ít người biết nhưng ông thừa am hiểu như Đức Phú hay Minh Trọng, những người vừa chơi tiền vệ lẫn hậu vệ khi cần thiết. Trước đó, ông Park Hang-seo từng sử dụng Xuân Mạnh rất hiệu quả ở vị trí hậu vệ biên lẫn trung vệ tại Giải U23 châu Á ở Thường Châu. Nay ở Sông Lam Nghệ An, Xuân Mạnh cũng luân phiên chơi các vị trí tiền vệ trung tâm lẫn tiền vệ biên, khi cần lại lùi sâu chơi như một hậu vệ hoặc bất thần chơi dâng cao để phát huy vũ khí không chiến. Rất tiếc, chấn thương đã khiến cầu thủ đa năng này đánh rơi phong độ khi lên tuyển nên sau đó ít được gọi, dù ở Sông Lam Nghệ An vẫn là một trụ cột hàng đầu không thể thay thế.

Tuyển thủ quốc gia Ngọc Hải vốn sở trường chơi trung vệ giữa, nhưng khi được bố trí tiền vệ trụ cũng chơi không hề tệ. Vấn đề đáng ngại với trung vệ này là đang chơi ở một đội bóng thiếu khát vọng, tính cạnh tranh thấp, trong khi Ngọc Hải đang không cho thấy vai trò nổi trội, đầu tàu trước một tập thể rệu rã, tính chiến đấu thấp chưa từng có so với chiều dài đi lên của đội bóng thành Vinh. Đó là những điều có thể khiến Ngọc Hải mất điểm nếu Đội tuyển Việt Nam bước vào một cuộc làm mới với các nhân tố trẻ nhiều sức sống và cống hiến.

Tiền đạo lừng danh Tiến Linh hiện cũng đang gặp khó ở Bình Dương khi 8 trận đã qua vẫn chưa ghi nổi bàn thắng nào. Khó là bởi Tiến Linh không còn là vị thế độc tôn ở đội nhà sau khi Rimario đương nhiên được xếp chơi đúng vị trí sau khi được đem về và trả lương với khoản tiền không hề nhỏ. Trong khi người chơi ăn ý Văn Vũ đã chuyển đi, khiến cho Tiến Linh “cô đơn ngay giữa nhà mình”. Rất tài năng ở vị trí tiền đạo cắm (không nhờ tốc độ cũng như khả năng kiểm soát bóng), nhưng chừng đó là chưa đủ để Tiến Linh chơi tốt ở vị trí mới khi đội nhà có yêu cầu. Và nếu lấy tiêu chí phong độ hiện tại thì ông Troussier sẽ rất đau đầu khi gọi hay không gọi Tiến Linh trong thời gian tới?

Tất nhiên, câu chuyện cầu thủ chơi đa năng chỉ là một phần của bóng đá và trong một đội hình rất khó để nói tất cả đều chơi đa năng như nhau? Vẫn phải có những vị trí chuyên biệt như thủ môn, như tiền vệ trụ, tiền vệ tổ chức, như tiền đạo cắm tài năng xuất chúng, không ai có thể thay thế được. Nhưng tài năng xuất chúng luôn “như lá mùa Thu” cộng với thực tế kinh nghiệm trận mạc, nên yêu cầu chơi đa năng lại đặt ra tiên quyết và nghiêm túc hơn bao giờ hết. Để thấy từ trong huấn luyện đến thực chiến hàng ngày, các huấn luyện viên và chính các cầu thủ cần được tôi luyện ở nhiều vị trí khác nhau, theo cách “giỏi một vị trí, biết chơi nhiều vị trí” để sẵn sàng cho mọi cuộc chinh phục, dù ông thầy là Park Hang-seo chủ trương chơi phòng ngự - phản công hay ông Philippe Troussier chơi tấn công - kiểm soát bóng vốn khác nhau cơ bản.

Hoa Bùi

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/v-league-va-cau-chuyen-cau-thu-da-nang-post270052.html