Vắc xin Covid-19 Mỹ - Đức cùng phát triển có giá rẻ hơn Trung Quốc

Vắc-xin phòng Covid-19 do Đức và Mỹ hợp tác sản xuất dự kiến được bán với giá rẻ hơn sản phẩm của Trung Quốc.

Hãng dược BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ dự định bán vắc-xin phòng Covid-19 BNT162b2 với mức giá “rẻ hơn thị trường”, và mỗi khu vực hay giữa mỗi nước, giá cả sẽ có sự chênh lệch.

Chia sẻ với Financial Times, ông Ryan Richardson, Giám đốc chiến lược của BioNTech cho biết, vắc-xin BNT162b2 hiện vẫn chưa được cấp phép sử dụng nhưng mức giá cho 2 mũi tiêm sẽ “thấp hơn thị trường”. Theo đó, giá của 2 liều tiêm là 39 USD.

Vắc xin Covid-19 do Mỹ - Đức cùng phát triển dự định được bán với giá rẻ hơn của Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Vắc xin Covid-19 do Mỹ - Đức cùng phát triển dự định được bán với giá rẻ hơn của Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

"Chúng tôi cố gắng cân bằng giữa vốn và đầu tư, dự kiến giá vắc-xin sẽ thấp hơn giá thị trường. Điều này đảm bảo người dân trên thế giới đều có thể được tiêm phòng. Giá cả ở mỗi vùng cũng sẽ có sự chênh lệch”, ông Richardson nói.

Trước đó, hôm 9/11, theo các kết quả thử nghiệm ban đầu, vắc-xin BNT162b2 đạt hiệu quả phòng bệnh tới 90%. Kết quả này trở thành hy vọng lớn đối với người dân về viễn cảnh có thể đánh bại virus corona chủng mới. Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu.

Hồi tháng Bảy, tập đoàn Pfizer đã đồng ý cung cấp 100 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho chính phủ Mỹ với giá 39 USD một liều gồm hai mũi (19,5 USD/mũi). Ngoài ra, 500 triệu liều khác đang được thương lượng theo các điều khoản riêng. Ông Richardson cũng cho biết, Pfizer và BioNTech đặt mục tiêu cung cấp 1,3 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021.

Hôm nay (11/11), Ủy ban châu Âu dự kiến thảo luận với Pfizer và BioNTech về việc mua 300 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.

Hồi tháng Sáu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã cấp 100 triệu euro cho BioNTech để phát triển và sản xuất vắc-xin Covid-19. Tới tháng Chín, Bộ Nghiên cứu của Đức cũng hỗ trợ BioNTech 375 triệu euro để đẩy nhanh chương trình phát triển và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Theo ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Phòng ngừa Dịch bệnh (CEPI), Pfizer và BioNTech là hai trong số 10 hãng đứng đầu trong lĩnh vực phát triển vắc-xin Covid-19 nhưng không nhận nguồn tài trợ lớn từ chính phủ.

Trước đó, 'Sputnik V' trở thành vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Nga sản xuất và hiệu quả phòng bệnh được cho là 2 năm.

Trong tuyên bố vào ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ một trong hai cô con gái của ông cũng đã thử nghiệm tiêm vắc-xin này.

Sau tuyên bố vắc-xin "Sputnik V" được phép sử dụng, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ là hai đối tượng đầu tiên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Việc tiêm vắc-xin cho người dân sẽ bắt đầu từ tháng 1/2021 và hoạt động tiêm là tự nguyện.

Cũng trong tháng Tám, Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (SinoPharm), ông Liu Jingzhen chia sẻ với tờ Guangming Daily rằng, vắc-xin phòng Covid-19 do công ty sản xuất đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và cuối cùng để kiểm chứng tính hiệu quả cũng như mức độ an toàn trên nhóm tình nguyện viên quy mô lớn.

Theo đó, vắc-xin Covid-19 của tập đoàn dược phẩm SinoPharm, Trung Quốc sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay và giá của hai mũi tiêm là gần 150 USD.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/vac-xin-covid-19-my-duc-khong-dat-nhu-trung-quoc-269374.html