Vắc-xin không phải liệu pháp ngừa ung thư

Vắc-xin HPV thường được gọi là vắc-xin chống ung thư cổ tử cung, với khả năng ngừa virus HPV.

Việc tiêm vắc-xin HPV là chưa đủ để ngừa ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác được xác định tác động lên sự hình thành dị sản cổ tử cung, gồm: Hút thuốc lá, nhiễm HIV, quan hệ sớm dưới 18 tuổi...

Vắc-xin... không ngừa ung thư

Mới đây, nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc khiến người hâm mộ vô cùng lo lắng khi chia sẻ, cô từng bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Nàng “ngọc nữ màn ảnh Việt” thừa nhận, cô từng khá chủ quan trước căn bệnh này.

“Chưa bao giờ Ngọc đi khám phụ khoa, cũng không tiêm chích phòng ngừa. Ngọc cứ nghĩ, việc đó hy hữu lắm, khó xảy ra. Nhưng, khi Ngọc biết thông tin bị bệnh, Ngọc hoang mang lắm. Bác sĩ nói với Ngọc, nếu chỉ chậm một ngày nữa, Ngọc sẽ phải cắt bỏ buồng trứng”, Ninh Dương Lan Ngọc chia sẻ.

Trong khi đó, ca sĩ Hari Won cũng từng tiết lộ mình phải “chống chọi” với căn bệnh quái ác này trong thời gian dài. Hari Won cho biết, sau 5 năm điều trị, cô vẫn còn nguy cơ tái phát ung thư...

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2018, thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc, với gần 300.000 trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của HPV Information Center (năm 2018), mỗi năm nước ta có khoảng 4.200 ca mắc ung thư cổ tử cung mới và 2.420 trường hợp tử vong. Con số này đồng nghĩa, trung bình mỗi ngày, có 14 phụ nữ mắc mới và 7 người tử vong vì ung thư cổ tử cung.

Tại Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh là 6,5/100.000 phụ nữ. Trong khi đó, ở TP.HCM, tỷ lệ mắc là 26/100.000 phụ nữ.

Theo dự báo của WHO, nếu không có các can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị kịp thời, trong khoảng 10 năm nữa, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ tăng 25%. Và, đến năm 2030, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh xảy ra ở các nước đang phát triển. Trong đó, Việt Nam là quốc gia nguy cơ cao.

Chia sẻ về vấn đề can thiệp sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, không ít người biết tới vắc-xin chống ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, họ còn hoài nghi rằng, tại sao có thể tiêm phòng trong khi ung thư không phải bệnh truyền nhiễm?

“Và rồi, họ tự bỏ mất cơ hội giúp mình có thể phòng ngừa được căn bệnh này”, bác sĩ Tưởng nhận định.

Theo chuyên gia này, một bộ phận không nhỏ người dân đang hiểu chưa thực sự đúng về vai trò của vắc-xin chống ung thư cổ tử cung - HPV. Bên cạnh đó, hàng loạt câu chuyện về tác dụng phụ sau tiêm phòng được chia sẻ cũng là lý do khiến nhiều thanh niên quyết định nói "không" với vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung.

“Căn nguyên của vấn đề là “virus cũng có khả năng gây ung thư”. Những loại virus này được gọi là “oncovirus”. Onco trong tiếng anh chỉ những từ liên quan đến ung thư. HPV là một oncovirus như vậy”, bác sĩ Tưởng lý giải.

Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 150 loại HPV. Tuy nhiên, chỉ một số loại HPV là oncovirus. Trong đó, loại 16 và 18 là phổ biến nhất và được chứng minh có liên quan đến ung thư cổ tử cung.

“Rõ ràng ung thư không phải bệnh truyền nhiễm. Nhưng, HPV là loại virus gây ra ung thư cổ tử cung. Như vậy, vắc-xin không ngừa được ung thư mà được dùng để ngừa virus có khả năng gây ra ung thư”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nam giới cũng cần tiêm vắc-xin

Trên các trang mạng xã hội, không khó bắt gặp những câu chuyện về vắc-xin chống ung thư cổ tử cung. Đáng lưu ý, nhiều bạn trẻ cho rằng, loại vắc-xin này có thể đảm bảo chắc chắn người tiêm không bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bác sĩ Tưởng cho rằng, quan điểm này không thể coi là chính xác.

“Bởi chúng ta chỉ ngừa việc nhiễm virus HPV - điều kiện cần để gây dị sản (biến đổi cấu trúc) cổ tử cung rồi gây ra ung thư.

Tuy nhiên, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ được xác định tác động lên sự hình thành dị sản cổ tử cung, gồm: Hút thuốc lá, nhiễm HIV, quan hệ sớm dưới 18 tuổi, có nhiều hơn một bạn tình, bạn tình bị ung thư cổ tử cung, ghép cơ quan, nhiễm tác nhân lây qua đường tình dục, tiếp xúc với diethylstibestrol (DES), không làm PAP test (phết tế bào cổ tử cung phát hiện sớm ung thư cổ tử cung) hoặc làm không thường xuyên”, chuyên gia giải thích.

Do đó, theo bác sĩ Tưởng, để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, cần giảm hết những yếu tố nguy cơ này. Trong đó, việc ngừa nhiễm virus HPV là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, việc tiêm vắc-xin HPV được coi là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng khác là tầm soát ung thư cổ tử cung hằng năm bằng PAP test. Vì thế, việc nhiều người cho rằng, có thể không cần phòng chống ung thư cổ tử cung sau khi tiêm vắc-xin HPV là hoàn toàn không đúng.

Đối với bé gái, bác sĩ Tưởng khuyến cáo có thể bắt đầu tiêm vắc-xin HPV từ 9 tuổi. Ở độ tuổi này, các bé chưa đến tuổi quan hệ tình dục và chưa có cơ hội tiếp xúc với HPV. Do đó, hiệu quả phòng ngừa sẽ hiệu quả nhất.

“Việc tiêm vắc-xin HPV cho nam giới để ngừa không nhiễm virus HPV. Bởi HPV có thể gây ung thư dương vật và ung thư ở vùng hầu họng. Ngoài ra, tiêm HPV cho nam giới cũng là một cách để ngăn ngừa họ không lây bệnh cho bạn tình. Do đó, thực chất, phải nói là vắc-xin ngừa HPV mới thực sự đúng”, BS Tưởng nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/vac-xin-khong-phai-lieu-phap-ngua-ung-thu-wAKBumJGg.html