Vắc- xin ngừa bạch hầu - Những thông tin cần biết

Có 4 loại vắc-xin giúp bảo vệ chống bệnh bạch hầu bao gồm: DTaP, DT, Tdap và Td. Vậy sự khác nhau giữa 4 loại này ra sao và cần lưu ý gì khi sử dụng?

Vắc-xin DTaP

Đây là vắc-xin giúp bảo vệ trẻ em khỏi bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, dành cho trẻ em dưới 7 tuổi. DTaP có thể được dùng cùng lúc với những vắc-xin khác. Đồng thời, đôi khi trẻ có thể được chích ngừa DTaP cùng một hoặc nhiều vắc-xin khác trong một lần tiêm duy nhất.

Vắc-xin DTaP không phải là phù hợp với tất cả trẻ. Một số lượng nhỏ trẻ nên được cho dùng các vắc-xin khác chỉ chứa bạch hầu và uốn ván thay vì DTaP.

Phụ huynh nên cung cấp cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe biết nếu con mình: đã từng có phản ứng dị ứng sau khi tiêm một liều DTaP trước đó hoặc có bất kỳ dị ứng nào nghiêm trọng, đe dọa tính mạng; đã từng bị hôn mê hoặc co giật nhiều lần kéo dài trong vòng 7 ngày sau khi tiêm một liều DTaP; bị co giật hoặc có vấn đề khác về hệ thần kinh; đã từng bị đau hoặc sưng nghiêm trọng sau khi tiêm một liều vắc-xin DTaP hoặc DT. Trong một số trường hợp, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể quyết định hoãn việc tiêm vắc-xin DTaP sang lịch tiêm tiếp theo. Những trẻ bị bệnh khá nặng hoặc nghiêm trọng thông thường cần đợi cho tới khi bình phục trước khi được chích ngừa DTaP.

Nguy cơ phản ứng với vắc-xin bao gồm: tấy đỏ, đau nhức, sưng và cảm giác đau ở chỗ tiêm là hiện tượng phổ biến sau khi tiêm DTaP. Bên cạnh đó một số trẻ có thể có sốt cao.

Phụ huynh nên cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của con mình trước khi thực hiện tiêm chủng.

Phụ huynh nên cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của con mình trước khi thực hiện tiêm chủng.

Vắc-xin DT

DT là vắc-xin chủng ngừa bệnh bạch hầu và uốn ván, dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tuần đến 6 tuổi. Nó có nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng rất thấp, đó là lý do tại sao DT đôi khi được sử dụng thay vì vắc-xin DTaP.

Hầu hết trẻ em được tiêm DTaP thay vì vắc-xin DT, nhưng DT an toàn hơn cho trẻ bị dị ứng với vắc-xin có thành phần ho gà.

Vắc-xin DT không an toàn cho những trẻ có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (ví dụ sốc phản vệ) với liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc uốn ván hoặc các thành phần khác trong vắc-xin. Khi tiêm vắc-xin này, trẻ có thể bị sốt, khóc, chán ăn, phản ứng tại chỗ tiêm (đỏ, đau hoặc cứng tại chỗ tiêm).

Vắc-xin DT không cung cấp miễn dịch suốt đời chống lại bệnh bạch hầu hoặc uốn ván.

Vắc-xin Tdap

Vắc-xin Tdap có thể bảo vệ thanh thiếu niên và người lớn khỏi bị uốn ván, bạch hầu và ho gà. Một liều Tdap được tiêm định kỳ vào lúc 11 hoặc 12 tuổi. Những người đã không tiêm Tdap ở độ tuổi đó thì nên tiêm càng sớm càng tốt.

Tdap đặc biệt quan trọng đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Phụ nữ có thai nên tiêm một liều Tdap trong mỗi thai kỳ, để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị bệnh ho gà.

Một số người không nên sử dụng vắc-xin này, nếu: Đã từng bị một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng sau khi tiêm một liều của bất kỳ loại vắc-xin nào có chứa bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin này.

Các tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi. Các phản ứng nghiêm trọng cũng có thể xuất hiện nhưng hiếm khi xảy ra. Hầu hết những người được tiêm vắc-xin Tdap không gặp bất kỳ vấn đề nào với vắc-xin này.

Các vấn đề ở mức độ nhẹ sau khi tiêm Tdap như: đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm; sốt nhẹ; nhức đầu; mệt mỏi; buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc nhức mỏi cơ thể...

Vắc-xin Td

Vắc-xin Td có thể bảo vệ thanh thiếu niên và người lớn khỏi bị bệnh uốn ván và bạch hầu. Liều Td nhắc lại thường được tiêm 10 năm một lần nhưng cũng có thể tiêm sớm hơn sau khi bị vết thương hoặc vết bỏng nặng bị bẩn.

Một số người không nên sử dụng vắc-xin này như: Đã từng bị một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng sau khi tiêm một liều của bất kỳ loại vắc-xin nào có chứa bạch hầu hoặc uốn ván hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin này.

Hãy cho cán bộ y tế biết nếu mình: Đã bị đau hoặc sưng nghiêm trọng sau khi tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào có chứa bạch hầu hoặc uốn ván; cảm thấy không khỏe vào ngày tiêm theo lịch; nguy cơ phản ứng với bất cứ loại thuốc nào, kể cả các loại vắc-xin.

Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin này thường nhẹ và tự khỏi như: sau tại chỗ tiêm; đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm; sốt nhẹ (hiếm gặp); nhức đầu; mệt mỏi...

DS. Hoàng Thu

((Theo Immunize))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vac-xin-ngua-bach-hau-nhung-thong-tin-can-biet-n177905.html