Vaccine Covid-19: Nga, Trung Quốc cán đích sớm?

Covid-19 là căn bệnh không phân biệt ranh giới lãnh thổ, quốc gia. Vaccine Covid-19 nên được cả thế giới chia sẻ, do vậy, câu chuyện kẻ thắng người thua không còn quan trọng.

Vaccine Covid-19 nên được cả thế giới chia sẻ, do vậy, câu chuyện kẻ thắng người thua không còn quan trọng.

Vaccine Covid-19 nên được cả thế giới chia sẻ, do vậy, câu chuyện kẻ thắng người thua không còn quan trọng.

Thế giới hiện đang rất cần một vaccine để đánh bại Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây nên. Để làm được điều đó, rất nhiều cường quốc về y tế đã dồn hết sức để có thể cho ra mắt được loại vaccine tốt nhất, trong thời gian nhanh nhất có thể.

Các chuyên gia nhận định, các nước lại lao vào cuộc đua đầy tốn kém và chưa có gì chắc chắn này là vì lợi ích kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã và đang "đánh gục" lần lượt các nền kinh tế trên thế giới, càng giàu thì thiệt hại càng lớn. Việc bỏ ra một khoản tiền dù khá lớn để nhanh chóng ngăn chặn đại dịch cũng không phải là cái giá đắt để nền kinh tế không bị sụp đổ nếu dịch cứ kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn đang bù đầu và chưa thể đưa ra được một loại vaccine nào đáng tin cậy khi mới đây, vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca đã phải dừng thử nghiệm ít ngày ở Anh. Cụ thể, vào ngày 6/9, thử nghiệm giai đoạn ba vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford bị tạm ngừng sau khi một căn bệnh tiềm tàng được phát hiện ở một trong số tình nguyện viên thử nghiệm vaccine.

Công ty dược phẩm AstraZeneca mới đây cho biết công ty này đã bắt đầu lại thử nghiệm ở Anh sau khi các nhà quản lý hoàn thành việc xem xét tác dụng phụ nghiêm trọng ở một người tham gia thử nghiệm ở đó. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang điều tra thêm, làm chậm khả năng tiếp cận vaccine ở nước này. AstraZeneca là một trong ba công ty đang tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn ba ở Mỹ. Hai thử nghiệm khác đang được tiến hành với vaccine Covid-19 tiềm năng của Pfizer và Moderna.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc dường như đang dẫn trước trong cuộc đua này. Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông báo, lô vaccine Sputnik-V đầu tiên của nước này đã được chuyển đến tất cả các vùng trên khắp quốc gia, hoàn thành vào ngày 14/9 vừa qua.

Sputnik-V là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh tính an toàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nga nhấn mạnh, việc sử dụng vaccine phải được kiểm định từng khâu một cách kỹ lưỡng.

Trong khi đó, bà Vũ Quế Trân, trưởng đoàn chuyên gia về an toàn sinh học của Trung tâm Phòng và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do Trung Quốc phát triển sẽ sẵn sàng được sử dụng cho công chúng vào đầu tháng 11 tới.

Trung Quốc hiện đang sở hữu 4/9 loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Ít nhất ba trong số đó đã được cung cấp cho những người lao động thiết yếu theo một chương trình sử dụng khẩn cấp ra mắt hồi tháng Bảy.

Thế nhưng, Covid-19 là căn bệnh không phân biệt ranh giới lãnh thổ, quốc gia. Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định rằng, “cách duy nhất để thế giới phục hồi nhanh hơn là phục hồi cùng nhau, vì chúng ta đang trong một thế giới toàn cầu hóa nơi các nền kinh tế gắn bó với nhau". Vaccine Covid-19 nên được cả thế giới chia sẻ, do vậy, câu chuyện “kẻ thắng người thua” không còn quan trọng.

Thế Linh

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vaccine-covid-19-nga-trung-quoc-can-dich-som-124028.html