Vaccine COVID chưa được duyệt, AstraZeneca đã chốt chi 39 tỉ USD mua hãng dược Mỹ

Công ty dược AstraZeneca của Anh cho biết đã đồng ý mua nhà phát triển dược phẩm Alexion của Mỹ với hợp đồng trị giá 39 tỉ USD. Đây sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất năm của ngành công nghiệp dược.

Cơ sở của AstraZeneca ở Macclesfield, Anh. Ảnh: Reuters

Theo ABC News, AstraZeneca, hãng phát triển một trong những ứng cử viên vaccine COVID-19 tiềm năng nhất, ngày 12/12 cho biết họ sẽ mua Alexion Pharmaceuticals Inc., trụ sở tại Boston, Mỹ, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, trị giá 39 tỉ USD.

Ban lãnh đạo của cả hai công ty hiện đã phê duyệt thỏa thuận này, nhưng còn cần sự thông qua của cổ đông. Hợp đồng sáp nhập dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý 3 năm 2021.

Đây sẽ là một trong những hợp đồng lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp dược, cho phép mở rộng hoạt động của AstraZeneca sang lĩnh vực điều trị các bệnh hiếm gặp. Đối tác Alexion có một cơ sở miễn dịch học ở Boston phục vụ những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn hiếm gặp.

“Vụ sáp nhập này cho phép chúng tôi tăng cường sự hiện diện của mình trong ngành miễn dịch học”, CEO của AstraZeneca, Pascal Soriot tuyên bố. AstraZeneca cho hay họ đã vay các khoản ngắn hạn trị giá 17,5 tỉ USD từ các ngân hàng Morgan Stanley, J.P. Morgan và Goldman Sachs để hỗ trợ chi trả hợp đồng.

AstraZeneca và Đại học Oxford đã hợp tác phát triển và sản xuất loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng, hiện đang được các nhà quản lý tại Anh và Canada thẩm định. Ông Pascal Soriot cho biết, nếu có kết quả khả quan từ cuộc thử nghiệm tại Mỹ, AstraZeneca sẽ có thể gửi vaccine cho các cơ quan quản lý của Mỹ trong vòng 6 tuần tới để xin cấp phép.

Hôm 23/11, AstraZeneca cho biết vaccine của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% trong ngăn ngừa COVID-19 mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Theo dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và Brazil, vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 khi tiêm nửa liều, sau đó là tiêm một liều đầy đủ cách nhau ít nhất 1 tháng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vaccine AstraZeneca là một trong những loại có triển vọng nhất để ngừa COVID-19

AstraZeneca khẳng định sẽ sản xuất được 200 triệu liều vaccine COVID vào cuối năm 2020, và 700 triệu liều sẽ sẵn sàng trên toàn cầu vào cuối quý 1/2021.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể được phân phối dễ dàng hơn vì chỉ cần giữ ở nhiệt độ tủ lạnh, không như vaccine của Pfizer và Moderna phải được bảo quản siêu lạnh. Ưu điểm này giúp vaccine AstraZeneca dễ dàng được vận chuyển và lưu trữ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hiện tại ứng cử viên vaccine của AstraZeneca vẫn đang chờ các nhà quản lý phê duyệt. Chưa rõ các kết quả thử nghiệm có được các nhà quản lý ở Anh và các nước khác "bật đèn xanh" hay không. Tuy nhiên, trong tháng 11, vaccine của AstraZeneca đã vấp phải sự cố gây nghi ngờ về độ hiệu quả. AstraZeneca thông báo vaccine ngừa COVID của họ và đối tác Đại học Oxford phát triển đạt hiệu quả trung bình 70% trong thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và Brazil. Tuy nhiên tỉ lệ 70% là trung bình từ 2 chế độ sử dụng vaccine khác nhau: tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng chỉ đạt hiệu quả 62%, và tiêm trước nửa liều rồi mới dùng liều đầy đủ (cũng cách 1 tháng) cho hiệu quả 90%.

Đáng chú ý là chế độ tiêm cho hiệu quả 90% chỉ được thực hiện trên nhóm nhỏ với 2.741 tình nguyện viên – làm dấy lên lo ngại từ giới chuyên gia.

Tiến sĩ Moncef Slaoui - người đứng đầu chiến dịch hỗ trợ phát triển vaccine COVID-19 của Mỹ - chỉ ra lỗ hổng: Không ai trong nhóm tiêm trước nửa liều trên 55 tuổi – như vậy sản phẩm của AstraZeneca chưa chứng minh được hiệu quả trên đối tượng dân số lớn tuổi dễ mắc bệnh.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-covid-chua-duoc-duyet-astrazeneca-da-chot-chi-39-ti-usd-mua-hang-duoc-my-20201213063849270.htm