Vaccine Johnson & Johnson chờ Mỹ phán quyết 'số phận'

Các nước có phản ứng khác nhau trước các sự cố liên quan tới tác dụng phụ của vaccine COVID-19, đặc biệt là hai loại vaccine của Johnson & Johnson và AstraZeneca đang bị nghi gây đông máu. Nhưng nhìn chung, giới chuyên gia một lần nữa khẳng định lợi ích vượt trội của vaccine trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chờ quyết định về số phận của vaccine Johnson & Johnson

Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13/4, các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo tạm ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson vì lý do "thận trọng", chờ kết quả điều tra mối liên hệ có thể có giữa việc tiêm vaccine này với tác dụng phụ huyết khối. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đang xem xét 6 ca xuất hiện huyết khối sau tiêm vaccine này.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ngày 15/4, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci hy vọng các nhà quản lý Mỹ sẽ sớm quyết định nhanh về việc nối lại tiêm vaccine của Johnson & Johnson, đưa vaccine này trở lại chương trình tiêm chủng.

Trước đó một ngày, ủy ban cố vấn của CDC Mỹ đã hoãn ít nhất một tuần cuộc bỏ phiếu về việc có nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson hay không để chờ thêm dữ liệu về rủi ro huyết khối.

Ông Fauci lo ngại việc trì hoãn dùng vaccine này kéo dài có thể ảnh hưởng tới tâm lý ngần ngại của người dân. Ông khẳng định: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải tiếp tục nhấn mạnh rằng đây là một vaccine rất hiệu quả và có thể sử dụng, là loại vaccine rất, rất quý giá trong bối cảnh toàn cầu”.

Tiếp sau Mỹ, một số quốc gia cũng có động thái tương tự với vaccine Johnson & Johnson
Ngày 13/4, Bộ Y tế Nam Phi thông báo đã đình chỉ sử dụng vaccine Johnson & Johnson trong chương trình tiêm chủng của nước này dù Nam Phi chưa nhận được báo cáo liên quan đến hiện tượng đông máu sau khi 290.000 người nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng. Cách đây 2 tuần, Nam Phi đã cấp phép sử dụng vacicne Johnson & Johnson và đến nay mới chỉ tiêm loại vaccine này cho các nhân viên y tế trong khuôn khổ nghiên cứu.

Trước diễn biến trên, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết nước này chưa quyết định có triển khai tiêm vaccine Johnson & Johnson trong tuần này hay không. Ông nêu rõ Hà Lan sẽ đợi thông tin từ Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) rồi mới đưa ra quyết định.

Trái lại, một số quốc gia vẫn tiếp tục sử dụng vaccine Johnson & Johnson. Bỉ cho biết sẽ không dừng tiêm vaccine này vào giai đoạn này. Ba Lan bắt đầu tiêm vaccine Johnson & Johnson khi chính phủ nước này khẳng định lợi ích của vaccine lớn hơn so với rủi ro có thể xảy ra. Trong khi đó, giới chức Tây Ban Nha chưa nhận được thông báo về việc dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson.

Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi các dữ liệu toàn cầu của các báo cáo khác nhau để xem liệu có xảy ra những ca tương tự ở các nơi khác hay không, và cần có thời gian để đánh giá các dữ liệu về vaccine Johnson & Johnson.

Đan Mạch bỏ hẳn vaccine AstraZaneca; Thái Lan vẫn coi là trụ cột

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (giữa) được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại thủ đô Bangkok, ngày 16/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước vaccine Johnson & Johnson, vaccine của AstraZeneca cũng chịu chung hoàn cảnh. Vaccine AstraZeneca bị nghi gây huyết khối, khiến một loạt quốc gia châu Âu tạm ngừng sử dụng, bất chấp khuyến cáo của WHO.

Mới đây, ngày 14/4, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngừng sử dụng vĩnh viễn vaccine AstraZeneca do lo ngại về tác dụng phụ máu đông hiếm gặp. Đan Mạch cho rằng có thể không cần vaccine của hãng AstraZeneca vì đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và có thể chỉ cần phụ thuộc vào hai loại vaccine của Pfizer và Moderna.

Trước đó, từ ngày 11/3, Đan Mạch cùng với Iceland và Na Uy đã đình chỉ sử dụng loại vaccine này. Theo sau là một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm Pháp, Đức và Italy.

Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang ở Đức thì nhất trí ra khuyến nghị đối với những người tiêm mũi thứ hai sau khi đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca, theo đó những người dưới 60 tuổi đã được tiêm một mũi chế phẩm này có thể tiêm mũi thứ hai với một loại vaccine khác.

Tại Bulgaria, Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov cũng thông báo việc triển khai tiêm vaccine của hãng AstraZeneca tại nước này có thể bị ngừng lại vì người dân không quan tâm.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu – đơn vị quản lý thuốc của Liên minh châu Âu (EU) – sau đó đã khuyến nghị các quốc gia vẫn nên tiếp tục sử dụng vaccine do lợi ích mà vaccine đem lại vượt xa bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào đối với con người. Tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu đã liệt kê tình trạng đông máu là tác dụng phụ cực kỳ hiếm của vaccine AstraZeneca.

Một số quốc gia sau thời gian tạm ngưng đã bắt đầu tái sử dụng loại vaccine trên song hạn chế về đối tượng được tiêm. Như trường hợp tại Anh, quốc gia này cho biết sẽ đề nghị tiêm loại vaccine khác cho những người dưới 30 tuổi.

Trong khi một số nước loại vaccine AstraZeneca thì Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul thông báo vaccine AstraZeneca sẽ là trụ cột chính cho chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của quốc gia Đông Nam Á này. Ông Anutin khẳng định Thái Lan có chuyên môn để giám sát chặt chẽ thông tin về vaccine và quyết định này dựa trên khoa học.

Chiến dịch tiêm chủng của Thái Lan chủ yếu dựa vào nguồn vaccine của AstraZeneca sản xuất trong nước và 2 triệu liều vaccine của Trung Quốc để tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người, tương đương 50% dân số - mục tiêu mà Thái Lan đề ra phải đạt được vào cuối năm 2021.

Cùng với Thái Lan, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca cho những người đủ điều kiện. Những người dưới dưới 30 tuổi chưa được tiêm vaccine này do nguy cơ máu đông lớn hơn lợi ích tiêm chủng.

Tiếp tục trấn an và điều tra về hiện tượng đông máu sau tiêm vaccine

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Llanelli, South Wales (Anh), ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi các nước có động thái khác nhau với hai loại vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca, WHO tiếp tục khẳng định lợi ích của tiêm vaccine COVID-19.

Ngày 15/4, Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge tái khẳng định lợi ích của vaccine AstraZeneca vẫn lớn hơn so với những rủi ro. Ông nói: "Hãy làm rõ để không còn hoài nghi, vaccine AstraZeneca mang lại hiệu quả trong giảm số ca nhập viện do COVID-19 và ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng dẫn tới tử vong. WHO đã khuyến nghị tiêm vaccine này càng sớm càng tốt cho những người trưởng thành nhằm tăng sức đề kháng đối với virus SARS-CoV-2".

Quan chức WHO cũng chỉ ra rằng trong số 200 triệu người đã tiêm vaccine AstraZeneca, chỉ có rất ít ca mắc rối loạn đông máu hiếm gặp. Ông nhấn mạnh nguy cơ mắc đông máu ở những bệnh nhân COVID-19 cao hơn nhiều so với những người tiêm vaccine AstraZeneca.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford của Anh cho thấy bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ xuất hiện cục máu đông trong não cao hơn so với những người được tiêm vaccine phòng căn bệnh này. Dữ liệu của trên 500.000 bệnh nhân COVID-19 cho thấy hiện tượng máu đông xảy ra với tỷ lệ 39/1.000.000 bệnh nhân. Trong trên 480.000 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 do BioNTech/Pfizer hoặc Moderna sản xuất, tỷ lệ xảy ra đông máu là 4/1.000.000, trong khi tỷ lệ này cao hơn một chút đối với những người được tiêm vaccine của AstraZeneca - khoảng 5/1.000.000 sau mũi tiêm đầu tiên.

Sau sự cố đông máu với vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca, các nhà nghiên cứu nhận thấy tác dụng phụ hiếm gặp này chỉ xảy ra với vaccine sử dụng công nghệ vectơ virus adeno (virus gây cảm lạnh thông thường). Chưa ghi nhận đông máu ở người đã tiêm vaccine dùng công nghệ khác của Pfizer và Moderna.

Dù vậy, mối liên hệ giữa công nghệ dùng vectơ virus adeno và đông máu mới chỉ là phỏng đoán đơn thuần, chưa có bằng chứng.

Vaccine Nga chưa gây ca đông máu nào và ngày càng “đắt hàng”

Vaccine Sputnik V tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi các nước phương Tây điều tra về tác dụng phụ máu đông, Viện Nghiên cứu Gamaleya – đơn vị phát triển vaccine Sputnik V của Nga - cho biết vaccine này chưa gây ra bất kỳ trường hợp phản ứng phụ nào liên quan đến đông máu.

Theo Viện Gamaleya, không có lý do gì để đánh đồng độ an toàn của vaccine Johnson & Johnson, AstraZeneca với Sputnik V. Cả ba loại vaccine này đều dựa trên công nghệ vectơ, sử dụng virus adeno để đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cả ba hãng chế tạo sử dụng cấu trúc và công nghệ khác biệt trong bào chế vaccine.

Iran là nước mới nhất đặt mua vaccine của Nga. Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali xác nhận hợp đồng mua 60 triệu liều Sputnik V đã được ký và hoàn tất, đủ để tiêm 2 liều cho 30 triệu người dân. Đại sứ Kazem Jalali cũng thông báo Iran sẽ nhận số vaccine này vào cuối năm 2021.

Nga cũng đang chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này cho một số quốc gia. Mới đây nhất, công ty ISU Abxis của Hàn Quốc ngày 15/4 thông báo về thỏa thuận với Quĩ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) về việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho các công ty Hàn Quốc. Dự kiến, việc sản xuất thử nghiệm vaccine sẽ sớm được triển khai tại một cơ sở ở Yongin, phía Nam thủ đô Seoul.

Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-johnson-johnson-cho-my-phan-quyet-so-phan-20210416150939077.htm