Vách chân trời

Ảnh: Internet

Ký ức làm nên chúng ta. Trong những ngôi nhà lá rì rào gió, hoang lạnh, gió vào lúc chán gió lại ra. Mỗi lúc trời mưa, mái nhà ướt, người trong nhà cũng vài vệt loang trên áo. Run người. Tôi may mắn được ngủ cùng mẹ trong những ngày mưa về trên mái lá, có khi mưa dột trúng người tôi. Mưa bé dại, chạm khắc tôi thời đó, để bóng đêm được mịt mù đến tận hôm nay...

Nhà bên, giọng người mẹ trẻ ru con nghe não nề, ủ dột giữa mưa:

“Bướm vàng đậu nhánh mù u

Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”.

Tôi nhớ những đêm như thế, mẹ tôi lại trở mình, xoay người rất nhẹ, có lẽ mẹ cũng như tôi, mẹ sợ. Nhưng tôi nhỏ dại, không rõ mẹ sợ tiếng mưa hay sợ tiếng ru của người mẹ trẻ nhà bên. Giọng ru nhỏ dần rơi vào tiếng mưa lẩn khuất, vỡ toang…

Nhà tôi nền đất nhưng được cạo nhẵn bóng, tháng mưa lại trơn, co chân ngồi trên bộ ván run lẩy bẩy. Mặt trước nhà đóng bằng ván, có cửa sổ làm bằng dây chì, người ta đóng chéo các sợi dây chì chồng lên nhau, kết thành những ô vuông nhỏ hơn bàn tay. Những ô vuông trên cửa sổ không chứa được mặt trời. Mỗi đêm mưa dầm, chúng tôi được mẹ phân công lấy thau, xô canh chỗ hứng những làn mưa lạc lối vào nhà, để nền đất không bị lầy sau những cơn mưa dai dẳng đó.

Trong xứ U Minh hạ nguồn, mặn đến ngọn tràm, cành đước, xóm ai cũng nghèo, đêm mưa chỉ nghe cành lá lào xào mà buồn thắt ruột. Ông Năm trên võng ngân vọng cổ theo cái la-dô, lâu lâu, xuống câu lại đệm bằng tiếng vỗ tay vào chân đập muỗi, miệng vẫn ngân nga: “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…”. Ngọn đèn cầy yếu bóng vía trong cơn gió lùa. Trời tối đến mênh mông.

Thời gian sau, nhà tôi khá giả chút, có chiếc ghe hàng, cha mẹ đi bán dọc theo dòng sông, những nhánh rẽ của sông bao giờ cũng buồn. Xứ này toàn tràm, bốn bề quánh đặc phèn, bóng người soi xuống dòng sông cũng trầm mặc, vàng úa. Lâu lâu mẹ tôi cất tiếng rao: “Ai ghe hàng hôn…” - tiếng rao làm mấy con chim trên cành dáo dác, rời tổ bay lẩn vào khu rừng tràm lắt lay hoa trắng.

Khoảng mươi năm sau, nhà lại bươn bả ra chợ. Cái chợ xã bé xíu nhưng hồ hởi, vui tươi mỗi chuyến ghe biển vô. Nhà tôi được coi là khang trang ở chợ. Tôi chẳng quan tâm gì nhiều, chỉ đi học và lén lấy tiền của mẹ, khi mẹ bán đồ để tiền trong tủ chưa kịp cất. Lấy để có tiền được thỏa thích uống sirô đá bào. Tôi chăm học. Có khi cả tháng không bước ra đường, đi học về chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc lên gác để học bài.

Thời đó chưa có điện thoại, chưa có Internet. Tôi yêu bóng chiều, cái bóng chiều ở biển ám ảnh, trống vắng nhưng đẹp. Chiều nào tôi cũng từ trên gác trèo ra cửa sổ, lên mái nhà ngồi nhìn ra biển. Gió mênh mang, chiều xuống chậm, những tia nắng yếu ớt không chống nổi sự chiếm lĩnh của bóng tối, từ từ theo mặt trời lặn xuống biển.

- À, thì ra chân trời là có thật, nó ở ngay đó, nơi mặt nước ăn mặt trời!

Tôi xem đến tận tối khi mẹ tìm tôi để ăn cơm, tôi mới leo xuống.

Có không một vách chân trời

Trẻ khôn - lớn dại, đánh rơi lòng mình?.../.

Khét

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vach-chan-troi-a164626.html