Vacxin Dịch tả lợn Châu Phi thử nghiệm bước đầu cho hiệu lực bảo hộ cao

Theo công bố của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vacxin dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) do Học viện nghiên cứu, khi đưa ra tiêm thử nghiệm sơ bộ ban đầu cho thấy, vacxin có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

Tại cuộc họp về giải pháp sử dụng vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP hôm nay (2/7), GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Sau thời gian nghiên cứu, đến nay, Học viện đã nghiên cứu và có sản phẩm vacxin DTLCP vô hoạt thế hệ mới, tiến hành tiêm thử nghiệm tại 3 trai lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau tại vùng dịch của Hưng Yên.

Kết quả bước đầu cho thấy: Toàn bộ 17/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình được tiêm vacxin đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khỏe mạnh. Những lợn không được tiêm vacxin của 3 hộ gia đình tiêm thử nghiệm đều chết do DTLCP.

Bên cạnh đó, kết quả công cường độc virus DTLCP cho thấy, vacxin có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng…

Đây là những thông tin rất khả quan, mở ra nhiều hi vọng thời gian tới cho việc nghiên cứu vacxin DTLCP thực sự có hiệu quả bảo hộ trên diện rộng trong thời gian tới.

 GS.TS Nguyễn Thị Lan trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về vacxin DTLCP tại Học viện.

GS.TS Nguyễn Thị Lan trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về vacxin DTLCP tại Học viện.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, tích cực, sáng tạo, có tính thực tiễn cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan, tích cực trong nghiên cuus vacxin DTLCP.

Bộ trưởng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm trong quá trình nghiên cứu tiếp theo của vacxin DTLCP trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lo lắng: Kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xẩy ra đầu tiên từ ngày 1/2/2019 tại Hưng Yên, đến nay đã tròn 5 tháng, khiến 2,8 triệu con lợn phải tiêu hủy (chiếm 10% tổng đàn lợn cả nước), tương đương 166 nghìn tấn. Đến nay, về cơ bản, dịch vẫn chủ yếu xẩy ra ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, đã được khống chế thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, nguy cơ dịch chưa dừng lại.

Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp về giải pháp sử dụng vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP hôm nay (2/7).

Theo Bộ trưởng, từ khi DTLCP bùng phát, bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, Bộ NN-PTNT đã sớm chỉ đạo hệ thống các đơn vị khoa học trong ngành bắt tay triển khai nghiên cứu vacxin, chế phẩm sinh học. Có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu vacxin DTLCP sẽ khó khả thi, tuy nhiên đây là hướng đi cần thiết, mang tính bền vững, lâu dài cho chăn nuôi lợn.

Đến nay, trong thời gian ngắn, đã thu được những kết quả tích cực quan trọng bước đầu, làm tiền đề cho nghiên cứu sâu về vacxin DTLCP, cũng như đã có những chế phẩm tăng cường hệ miễn dịch, ức chế virus DTLCP...

Bên cạnh đó, nhiều DN đã tích cực vào cuộc, đông đảo người chăn nuôi cũng đã có những sáng tạo, hiến kế cho Bộ NN-PTNT về chăn nuôi an toàn sinh học…

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ vì chúng ta buộc phải chạy đua với thời gian, nhất là trước 2 nghị định mới là CPTPP và EVFTA, đặt ra yêu cầu hội nhập, thách thức cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn - một ngành hàng chủ lực của chăn nuôi Việt Nam. Trong bối cảnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp, công tác chống dịch vẫn còn nhiều lúng túng, khiến ngành chăn nuôi nước ta chao đảo trước dịch bệnh, sẽ là nguy cơ khó có thể đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn trong bối cảnh hội nhập của 2 hiệp định mới về tự do hóa thương mại.

Về hướng vacxin DTLCP trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ảnh) yêu cầu các đơn vị liên quan cố gắng đẩy nhanh nhất tiến độ.

Trong đó, lưu ý việc từ nghiên cứu thử nghiệm đến thương mại vacxin một chặng đường dài, thực tế thế giới chưa SX được vacxin DTLCP bởi đây là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, không được chủ quan, quá lạc quan với những kết quả bước đầu.

Bên cạnh đó, cần tiếp cận trong SX vacxin DTLCP với tinh thần sáng tạo nhất, mở thêm đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu.

“Những cá thể lợn còn tồn tại sau khi tiêm vacxin và công cường độc sẽ là những cá thể rất quý để tiếp tục điều tra, nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về chế phẩm vi sinh, Bộ trưởng yêu cầu cần tổng kết quy trình sử dụng nhằm tiếp tục ứng dụng, đồng thời đặt nền móng cho việc tiến tới nghiên cứu, từng bước chủ động SX các chế phẩm vi sinh sử dụng cho TĂCN tại Việt Nam.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vacxin-dich-ta-lon-chau-phi-thu-nghiem-buoc-dau-cho-hieu-luc-bao-ho-cao-post244522.html