Vài chuyện về Esun

Esun là bút danh của nhà thơ Lò Ngân Sủn, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật đầu tiên sau khi tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991).

Sáng 16/12/2013, nhận tin anh về miền mây trắng, tôi bàng hoàng, hẫng hụt! Đang săn ảnh giữa trời tuyết Sa Pa giá lạnh, tôi bỗng thốt lên: Ôi, thế là anh Sủn đi rồi sao!...

Tự dưng thấy buồn cho số phận con người. Phật nói “sống gửi thác về” có lẽ đúng. Cái sự “gửi” này chỉ thoảng qua thôi. Nhoằng một cái, cuộc đời đã hết. Quỹ thời gian của một con người hóa ra chả được mấy... Nhưng Lò Ngân Sủn, anh cứ vô tư, sống thật với hoàn cảnh của mình, với cảm xúc của mình. Cái gì đến khắc đến, cái gì đi khắc đi. Mấy chục năm biết anh, lúc nào gặp anh tôi cũng bắt gặp ngay nụ cười hè hè…

Tập thơ Bữa tình yêu.

Năm 1995, ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, Lò Ngân Sủn trúng vào Ban Chấp hành như một tình huống bất ngờ. Và thế là, đang sống quen nơi hương rừng gió núi, bỗng bầu đàn thê tử phải kéo nhau về Thủ đô. Cứ như trò đùa. Mặc dù Lò Ngân Sủn không hề thiết tha gì với chức tước, không hề ước mơ gì về cuộc sống hoa lệ. Cái nhiệm kỳ ấy, Hội Nhà văn bảy tám trăm hội viên, đại hội giới thiệu lên hàng trăm người để chỉ bầu lấy 15 người vào Ban Chấp hành. Nhưng do các nhà văn “ngang sức ngang tài” nhau quá nên bầu mãi cũng chỉ được 5 người. Thành ra, chỉ là ủy viên Ban Chấp hành nhưng Lò Ngân Sủn trở thành nhân vật quan trọng. Anh được phân công làm Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, vì thế mới phải dời cư từ Lào Cai về Hà Nội.

Thôi thì “một người làm quan cả họ được nhờ”. Cứ đi Hà Nội là thầy trò tôi lại ghé vào trụ sở Hội Nhà văn. Anh Sủn nhấc máy điện thoại “chỉ đạo” nhà khách của Hội ở 65 Nguyễn Du cho chúng tôi ngủ nhờ, để đỡ tốn tiền ngủ trọ. Lúc xong việc lại quay về hút thuốc lào, tán gẫu với anh rồi kéo nhau ra quán cơm bụi… Thật lòng, ngày anh Sủn còn làm thường trực Hội Nhà văn thì cái trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu trở thành địa chỉ quen thuộc, không phải chỉ có tôi mà còn nhiều anh em văn nghệ Lào Cai thường lui tới.

Anh Sủn hơn tôi ba tuổi, tôi coi anh là anh, cả về phương diện tuổi tác và trí tuệ. Nhưng anh chỉ coi tôi là bạn. Lại nhớ cái hồi mới tái lập tỉnh Lào Cai 1991 - 1992, Lò Ngân Sủn “một mình một ngựa” với toàn bộ “gia sản” văn nghệ được chia ra ở Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn là 19 hội viên và một con xe cúp “đầu vênh, máy cánh”... Trụ sở hội tập kết được tỉnh cho ở nhờ Ban Quản lý công trình công nghiệp Tằng Loỏng. Tôi đang công tác ở một cơ quan huyện, nhưng hễ rỗi rãi một chút là tranh thủ trốn vợ con, phi xe máy 20 cây số vào thậm thụt tán dóc với anh ở cái trụ sở này và nhiều hôm ngủ lại. Hai anh em ngủ chung một cái giường mét hai, đắp chung một cái chăn bông cũ...

Nhà báo Thái Sinh từng là cán bộ Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn kể: Khi Lò Ngân Sủn chuyển lên Lào Cai, Thái Sinh tiếp nhận phòng làm việc của anh, khi lật chiếc chiếu lên mới giật mình, cái gối đầu của anh là mấy viên gạch chỉ. Hóa ra suốt mấy năm giời, ông Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn đều gối đầu bằng những viên gạch xây đó!

Tôi nghĩ, có lẽ tôi thân Esun vì cái tính cách kiểu “người rừng” ấy.

Rồi anh Sủn kết nạp tôi vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Tôi biết, mình chả có năng khiếu, tài nghệ gì trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Có mỗi bài ký viết từ năm 1989, được nhà báo Thái Sinh biên tập và giật lại cho cái title rồi đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh, nên nó thành cái cớ để tôi được vào Hội Văn nghệ. Có lẽ tôi trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trước hết là do có cái tình với Chủ tịch hội, với mọi người; anh Sủn kết nạp tôi là kết nạp sự đồng cảm về thế thái nhân tình, về tình người, tình bạn. Còn tôi thì cũng chẳng háo hức gì, mặc dù rất ngưỡng mộ văn nghệ sỹ… Khi được nhắc nhở làm đơn vào hội, tôi nghĩ, cũng là cái sân chơi cho vui vẻ thôi chứ cái ngữ mình thì viết lách gì. Tài năng là do năng khiếu trời cho và khổ luyện lao động sáng tạo, hữu xạ tự nhiên hương, chứ dán nhãn to nhãn bé vào mà trong ruột rỗng tuếch thì chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Giá như vào thời nay, với sự ngốc nghếch về văn chương chữ nghĩa như thế thì có khi người ta đã nghi ngờ tôi “chạy” vào hội để kiếm cái danh làm sang cũng nên? Nhưng đúng là vì tình vì nghĩa, không phải vì đĩa xôi đầy.

Lò Ngân Sủn quả là người sống đa tình. Có lẽ vì vậy mà thơ của anh cái tình cứ tuôn ra rất hồn nhiên. Hồn nhiên như chính con người anh, như chính dân tộc đã sinh ra anh. Tôi vốn là người chẳng am hiểu gì về thơ phú; sống giữa một cộng đồng “cả nước biết làm thơ” mà mình thì không có thơ. Chán! Thế nhưng khi Lò Ngân Sủn vừa làm xong bài thơ “Người đẹp”, anh đọc cho tôi nghe, tôi vỗ đùi đánh đét: “Hay. Lạ. Chửa thấy thằng nào làm thơ kiểu này! Thơ quái gì mà trúc tra trúc trắc, không vần không vè... mà đọc xong cái nhớ ngay. Thế mới lạ!”. Tôi bột phát cứ nói phứa ra như thế, bởi tôi chỉ cảm thấy thế thôi. Thấy tôi nói vậy, anh Sủn lại cười hè hè…

Thế mà y như rằng một thời gian sau, bài thơ ấy lại nổi tiếng! Không phải chỉ nổi tiếng trong nước. Một dạo có người ăn trộm bài thơ này của anh mang đi thi quốc tế, khiến các nhà thơ nước ngoài phải trầm trồ thán phục. Giữa lúc ấy, Lò Ngân Sủn đang tay lần xà, chân tập đi như đứa trẻ 11 tháng tuổi trong căn nhà chật hẹp ở Thủ đô, ngay cổng Bệnh viện Nhi Thụy Điển. Vì vậy, anh chả quan tâm, mặc dù ở ngoài kia, báo chí đang làm um lên về vụ đạo thơ của anh mang đi thi quốc tế…

Thế mà nay anh đã thành người thiên cổ gần chục năm rồi! Nhưng nhân cách của anh, những tác phẩm của anh vẫn còn mãi trong lòng mọi người, nhất là anh em văn nghệ sỹ Lào Cai…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361717-vai-chuyen-ve-esun