Vài nét chấm phá về Total

Total là một tập đoàn dầu mỏ tư nhân của Pháp, lớn thứ 6 trên thế giới, có mặt tại hơn 130 quốc gia và sử dụng gần 100.000 nhân viên. Trong bối cảnh năng lượng toàn cầu có nhiều thay đổi hiện nay, Total đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Tập đoàn Total có mặt trong mọi hoạt động khai thác của ngành dầu khí: Từ thượng nguồn (thăm dò, phát triển và sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng) cho đến hạ nguồn (tinh chế, phân phối, trao đổi và vận chuyển bằng đường biển dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ). Total còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như hóa chất, than, hạt nhân và sản xuất điện (nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt), ngày càng chú trọng đến năng lượng tái tạo (mặt trời, sinh khối). Từ tháng 1/2012, Total tập trung vào 3 hoạt động chính: Thượng nguồn, tinh chế - hóa dầu, cung cấp - tiếp thị.

Total, tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn thứ 6 trên thế giới

Phát triển trong bối cảnh mới

Khác với thời điểm ban đầu của kỷ nguyên dầu mỏ, các công ty ngày càng hạn chế khai thác dầu mỏ vì chính quyền các nước đang dần thu hồi các nguồn năng lượng hóa thạch. Ví dụ: Venezuela đã thương lượng lại việc thu hồi các mỏ dầu đã được cấp cho các công ty dầu mỏ lớn và bắt buộc những công ty này phải tham gia vào các tập đoàn bán công, có cổ phần của nhà nước. Vào năm 2014, Nga nắm quyền kiểm soát lĩnh vực khí đốt bằng cách trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Gazprom. Trung Quốc cũng như Ấn Độ không ngần ngại thiết lập quan hệ trực tiếp với các quốc gia cách xa mình như Sudan để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao.

Total đang phát triển trong bối cảnh mới và đặc biệt quan tâm tới đầu tư khai thác các nguồn nhiên liệu khó tiếp cận như dầu khí ngoài khơi, dầu cát, dầu thô siêu nặng và dầu đá phiến.

Hiện Total cũng đang hướng tới các thị trường mới. Tập đoàn không chỉ thích nghi với nền kinh tế carbon thấp mà còn chuẩn bị trước tình huống tài nguyên hóa thạch ngày càng ít được sử dụng.

Đặc biệt, Total đã đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Total và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hợp tác từ năm 2008 trong Chương trình Năng lượng MIT với mục tiêu hiểu rõ hơn tình hình môi trường và hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Quá khứ, hiện tại và tương lai

Được thành lập năm 1924 với tên gọi Công ty Dầu khí Pháp (CFP). Tổng thống Cộng hòa Pháp Raymond Poincaré là một trong những nhà sáng lập công ty. Ông bổ nhiệm Ernest Mercier làm chủ tịch đầu tiên và giao cho ông nhiệm vụ "tìm ra giải pháp có khả năng thực hiện được cho chính sách dầu mỏ quốc gia".

Vào năm 1999, để củng cố vị trí của mình trên thị trường dầu mỏ, CFP đã mua lại công ty dầu Petrofina của Bỉ và được biết đến với tên gọi Total Fina. Sau đó, Total Fina tiếp tục mua lại Elf Aquitaine vào năm 2000 và sáp nhập 2 công ty với tên gọi TotalFinaElf. Kể từ năm 2003, công ty được đổi tên thành Total S.A và được giữ cho đến bây giờ.

Kể từ khi sáp nhập, Total là tập đoàn có doanh thu cao nhất ở Pháp, xếp vị trí thứ 3 châu Âu và đứng thứ 6 trên thế giới vào năm 2011 (theo Bảng xếp hạng Fortune Global 500). Đây là tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường đứng đầu trên sàn chứng khoán CAC 40.

Total dành nhiều khoản đầu tư cho việc phát triển các dự án thăm dò dầu mỏ và tìm ra các nguồn năng lượng mới. Hành động này thể hiện mong muốn duy trì vai trò lãnh đạo lâu dài trong lĩnh vực năng lượng. Điều này có thể thấy qua rất nhiều dự án:

Dự án lọc dầu với Arập Xêút: Không chỉ có những cuộc khủng hoảng kinh tế, giá dầu tăng mà còn những quy định về môi trường đã gây ảnh hưởng tới hoạt động lọc dầu của Total, đặc biệt tại Pháp. Vì phải đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở Dunkirk, Total đã tham gia vào các dự án tại các khu vực có nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cao. Total và Saudi Aramco của Arập Xêút cùng nhau xây dựng một nhà máy lọc dầu có công suất 400.000 thùng/ngày tại thành phố Jubail thuộc miền Đông Arập Xêút, nhà máy này đã hoạt động hết công suất vào cuối năm 2013.

Năng lượng hạt nhân: Năm 2009, Total bỏ ra 400 triệu euro để đầu tư vào Dự án xây dựng lò phản ứng thế hệ thứ 3 (EPR) Penly, tương đương 8,3% cổ phần. Việc tham gia vào Dự án Penly EPR thể hiện cam kết của Total trong việc mở rộng các hình thức sản xuất năng lượng với quy mô lớn. Năng lượng hạt nhân không phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và không bị ảnh hưởng bởi do suy giảm trữ lượng dầu hoặc khí. Chính vì vậy, năng lượng hạt nhân được xem như là năng lượng tương lai của Pháp.

Các dự án về thành phố xanh: Total cũng tham gia vào Dự án xây dựng SHAMS 1 - nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới, được khởi công vào quý III/2010 và hoàn thành năm 2012. Đây là một trong những biểu tượng của Dự án thành phố xanh Masdar của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Vào tháng 6/2011, Total đã mua lại 60% cổ phần của Tập đoàn SunPower (Mỹ) với giá 1,4 tỷ USD và đầu tư để SunPower trở thành doanh nghiệp chiến lược trong năng lượng mặt trời…

Năm 2011, tổng doanh thu của Total là 184,7 tỉ euro, lợi nhuận ròng 11,4 tỉ euro. Gần 1/4 doanh thu đến từ Pháp; gần 70% đến từ châu Âu.

Cuối năm 2011, Total có hơn 20 nhà máy lọc dầu và trong đó tập đoàn trực tiếp quản lý 10 nhà máy. Sản lượng hóa dầu toàn cầu của Total là 19,7 triệu tấn.

Từ năm 2011, Total bắt đầu phân phối dầu cho hơn 15.000 trạm nhiên liệu trên thế giới, trong đó có 5.000 trạm ở 60 nước không thuộc OCDE.

8,4% cổ phần của Total do những cá nhân nắm giữ; các nhân viên nắm giữ 4,6%; 87% còn lại thuộc về nhà đầu tư.

Sau khi Christophe de Margerie, Tổng giám đốc Total qua đời ngày 21/10/2014 trong một vụ tai nạn máy bay, ông Patrick Pouyanné đã nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Total cho đến nay.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vai-net-cham-pha-ve-total-515419.html