Vài suy nghĩ từ điểm thi môn Lịch sử

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đa phần thí sinh trong số này đăng ký thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp, nên thí sinh không tập trung học để có điểm cao môn lịch sử. Đây là nguyên nhân chính.

Theo kết quả điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố: có 570.071 thí sinh dự thi môn Lịch sử; điểm trung bình là 4,30; số thí sinh có điểm dưới trung bình là 399.182, chiếm 70,02%, điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75; có 561 thí sinh có điểm liệt (thấp hơn hoặc được 1 điểm).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đa phần thí sinh trong số này đăng ký thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp, nên thí sinh không tập trung học để có điểm cao môn lịch sử. Đây là nguyên nhân chính.

Xin được nêu lại phổ điểm môn Lịch sử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, điểm trung bình toàn quốc là 3,7, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 468.628, chiếm 83,24%. Số thí sinh có điểm liệt (thấp hơn hoặc được 1 điểm) là 1.277 thí sinh. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 3,25 điểm.

Xin nói thêm, đây mới là thống kê của 2 năm gần nhất. Nếu lật giở lại điểm thi môn Lịch sử các năm trước, tình hình cũng tương tự. Báo chí, các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đã bàn nhiều về lý do, đưa ra nhiều giải pháp nhưng vấn đề vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thật đáng buồn!

Vai trò của môn học Lịch sử trong nhà trường phổ thông là quá rõ ràng. Môn học giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Qua đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết quốc tế. Đồng thời, học lịch sử còn giúp các em hiểu được những giá trị truyền thống, những kinh nghiệm vô cùng phong phú mà con người cần nhận thức để rút ra những bài học cho hôm nay và mai sau. Nếu không biết hành trình lập nước, giữ nước và xây dựng đất nước của tổ tiên thì con người sẽ chỉ như một robot vô thức và sẽ bị hòa tan trong thế giới hội nhập.

Vì thế, học và hiểu Lịch sử Việt Nam là để thế hệ sau ghi nhớ biết ơn công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu để gìn giữ, dựng xây đất nước Việt Nam cho thế hệ về sau. Và qua môn học, học sinh biết được nguồn gốc của dân tộc, chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, từ đó hiểu được ví trí, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Môn học quan trọng vậy sao điểm thi lại thấp vậy. Có phải do môn học quá khó? Nhiều lý do đã được đưa ra. Nào là do kiến thức trong sách giáo khoa quá nặng nề, phương pháp giảng dạy lạc hậu không gây được hứng thú cũng như khuyến khích học sinh tìm hiểu nghiên cứu, chất lượng giáo viên dạy sử chưa cao, chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp môn học, chưa hướng dẫn học sinh cách học bộ môn đặc biệt này,… Những điều đó khiến học trò chán học sử.

Thêm nữa, theo người viết, nguyên nhân cơ bản nhất là do cách thức lựa chọn môn thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học. Lịch sử, Địa lý và một số môn học khác không được đưa vào những môn thi bắt buộc. Việc này kéo dài rất nhiều năm. Dần dà học sinh, thậm chí cả giáo viên có quan niệm môn chính, môn phụ. Và điều gì đến sẽ phải đến. Lịch sử, Địa lý và một số môn học được coi là “phụ” sẽ ít được quan tâm. Thầy thì đến giờ phải dạy, trò thì đến giờ phải vào học. Nấu năm đó các “môn phụ” không nằm trong danh sách thi tốt nghiệp thì giờ đó lag giờ… chơi. Do đó nhiều, rất nhiều học sinh, kể cả học sinh được coi là giỏi cũng rất lờ mờ về sự kiện lịch sử cơ bản và những anh hùng dân tộc tiêu biểu. Điều này thể hiện qua trả lời của nhiều học sinh tại các cuộc thi có chất lượng phát sóng trên Truyền hình Việt Nam.

Mong rằng, hai câu “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” mở đầu của bài thơ Diễn ca lịch sử Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1941, ngay khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là kim chỉ nam trong giáo dục toàn diện, nhất là trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, phương pháp học để Lịch sử, Địa lý và các môn học khác không là môn học phụ.

Hiền Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/vai-suy-nghi-tu-diem-thi-mon-lich-su-post29331.html