Vai trò của Doanh nghiệp trong thực hiện Phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững

Nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 08/11/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo 'Vai trò của Doanh nghiệp trong thực hiện Phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững' do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Xuân Đình phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Xuân Đình cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững ở Việt Nam. Vai trò của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực tài chính bổ sung cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài bị thu hẹp do Việt Nam đã bước vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển bền vững số 12 “Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững” của Kế hoạch hành động quốc gia đã đưa ra mục tiêu cụ thể là “khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững, thực hiện báo cáo bền vững, tích hợp các thông tin về tính bền vững vào báo cáo đình kỳ của mình”. Báo cáo bền vững là công cụ giúp doanh nghiệp công bố thông tin về tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính. Việc áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và lập báo cáo bền vững là một trong những công cụ, nền tảng thiết yếu và hữu hiệu, giúp doanh nghiệp đánh giá lại một cách tổng thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó có thể nắm bắt được những cơ hội mới do phát triển bền vững mang lại.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chưa nhận thức được đầy đủ về các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như việc thực hiện báo cáo bền vững của doanh nghiệp. Trên thực tế, mới chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn thực hiện báo cáo này, còn lại phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thờ ơ và chưa thực sự quan tâm.

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam cũng đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Đó là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Trong năm 2018, hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia. Xây dựng và ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, chú trọng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung, mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao bền vững về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lập báo cáo bền vững và CSI. Hội thảo là diễn đàn đa chiều để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp… trao đổi thông tin, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, từ đó các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41531&idcm=188