Vai trò của đồng USD sẽ giảm trong 10 năm tới

Theo giới chuyên gia, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hiện nay đang được thử nghiệm ở cấp độ bán lẻ tại Trung Quốc và có thể sẽ trở thành một phương thức thanh toán của hệ thống thanh toán quốc tế trong tương lai.

Jeffrey Sachs, giáo sư kinh tế đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tại trường Đại học Columbia (Mỹ) nhận định, trong vòng 10 năm tới, đồng USD sẽ đóng ít vai trò chi phối hơn so với hiện nay do thị phần của nền kinh tế Mỹ trên thế giới ngày càng nhỏ hơn.

Theo ông Jeffrey Sachs, thị phần của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ ít hơn và vai trò của đồng USD sẽ giảm đi bởi sự phát triển của các đồng tiền mạnh khác.

Ông Sachs nhấn mạnh rằng, hệ thống thanh toán quốc tế hiện dựa trên đồng USD, trong đó có tới 50-60% giao dịch thanh toán quốc tế là bằng đồng USD hoặc dựa trên đồng USD, và khoảng 50% dự trữ quốc tế dựa trên đồng USD.

Ông Sachs nói thêm, thị phần mua hàng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới vào khoảng 15%, do đó vai trò của đồng USD lớn hơn nhiều so với vai trò của nền kinh tế Mỹ. Vai trò của đồng USD phản ánh sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là trong thế kỷ 20.

Ông Sachs cho biết, khi đồng USD đã trở thành vũ khí chính trị của Mỹ trong chính sách dự trữ ngoại hối với nhiều nước trong đó có Nga, Venezuela, Iran và nhiều quốc gia không muốn giữ tiền bằng đồng USD. Nguyên nhân là do những lo ngại liên quan đến việc Mỹ sẽ tịch thu tiền tệ của họ, đặc biệt nếu họ có bất đồng chính sách đối ngoại nào đó với Mỹ.

Vai trò của đồng USD chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên đồng USD vì các khoản thanh toán phần lớn được giải quyết thông qua các ngân hàng thương mại.

Ông Sachs cho biết, trong tương lai, các khoản thanh toán này sẽ được giải quyết thông qua các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, hiện đang được thử nghiệm ở cấp độ bán lẻ tại Trung Quốc và có thể sẽ trở thành một phương thức thanh toán của hệ thống thanh toán quốc tế.

Trong tháng qua, Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Nam Phi đều đang tìm kiếm các phương thức thanh toán thay thế vì họ không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng bằng USD.

Ông Sachs cho biết, vai trò của đồng USD sẽ giảm đi và vai trò của đồng nhân dân tệ, đồng rupee, đồng rouble và các loại tiền tệ khác sẽ tăng lên trong tương lai.

Trước đó, năm 2022, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967 nhằm đa dạng hóa dự trữ, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Những tháng gần đây, Brazil và Argentina đã thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung của hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.

Theo Reuters, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ hiện đang thảo luận về việc sử dụng đồng Rupee trong giao thương hàng hóa phi dầu mỏ, giảm phụ thuộc vào USD. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong 48 năm, Saudi Arabia cho biết sẵn sàng giao dịch dầu mỏ bằng các tiền tệ khác bên cạnh USD.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái này, nhiều người cho rằng vị thế thống trị của đồng USD sẽ chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đồng USD.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của các nước bằng các tiền tệ khác thấp hơn đáng kể. Cụ thể, dự trữ bằng đồng Euro (EUR) là 19,7%, Yên Nhật (JPY) 5,3%, Bảng Anh (GBP) 4,6%, Nhân dân tệ (RMB) 2,8%, Đôla Canada (CAD) 2,5%, Đôla Australia (AUD) 1,9% và Franc Thụy Sỹ (CHF) 0,2%.

Di Di / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vai-tro-cua-dong-usd-se-giam-trong-10-nam-toi-post318899.html