Vai trò của ISA trên bản đồ năng lượng thế giới

Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) là liên minh các quốc gia phần lớn nằm giữa vùng Bắc chí tuyến và Đông chí tuyến nhiều nắng, gồm 121 quốc gia, thúc đẩy việc đầu tư, khai thác và sử dụng năng lượng tái sinh thay thế cho năng lượng hóa thạch.

Liên minh này ra đời năm 2015 do Thủ tướng Ấn Độ Modi cùng Tổng thống Pháp khi đó là ông Francois Hollande khởi xướng và đặt trụ sở tại Ấn Độ.

Mục đích của ISA là giảm phí tổn đầu tư cho năng lượng mặt trời và công nghệ liên quan, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2030 huy động hơn 1.000 tỷ USD để xây dựng các nhà máy và hạ tầng năng lượng mặt trời.

Chỉ ra đời trong vài năm, nhưng vai trò của ISA ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống và kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước có lợi thế về sức gió và ánh nắng mặt trời. Nguồn vốn đầu tư được gia tăng, các cơ sở năng lượng mặt trời phát triển mạnh tại nhiều nước.

Pháp đã chi 700 triệu euro (861,5 triệu USD) thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022.

Trước đó, Pháp đã cam kết chi 300 triệu euro cho sáng kiến này khi Pháp cùng với Ấn Độ thành lập ISA hồi năm 2015 nhằm tạo ra một quỹ mới để tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia nhiều nắng và nghèo.

Ấn Độ là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ ba trên thế giới, cũng đang phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và đang dần trở thành một trong những thị trường năng lượng sạch lớn nhất thế giới.

Ấn Độ đã đưa ra cam kết đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% nguồn năng lượng của nước này, chủ yếu là nguồn năng lượng mặt trời.

Còn Cuba, với vị trí địa lý thuận lợi và lượng bức xạ mặt trời lớn quanh năm, nước này đã xây dựng 51 công viên năng lượng mặt trời với tổng công suất 116 MW. Chính phủ nước này đang tiếp tục xây dựng thêm các công viên năng lượng mặt trời để bổ sung công suất 65 MW vào mạng lưới điện quốc gia.

Cuba dự kiến tăng tỷ trọng tiêu thụ điện năng từ năng lượng tái tạo như thủy điện, nhiên liệu sinh học và năng lượng gió lên 24% vào năm 2030.

Đối với Việt Nam, đến nay đã có 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia.

Tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và 1.770 MW sau năm 2020; có 58 dự án đã được phê duyệt bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thiết kế cơ sở; 9 dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện.

Ngoài ra, các dự án trên mái nhà tính đến cuối tháng 7/2018 vừa qua, đã có 748 dự án mái nhà với tổng công suất là 11,55 MWp.

Để thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của ISA và gia tăng phát triển năng lượng mặt trời, ngày 2/10, tại New Delhi (Ấn Độ) đã diễn ra Hội nghị cấp cao ISA trong thời gian 4 ngày, với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các quốc gia thành viên liên minh ISA, các ngân hàng, quỹ phát triển cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự đoán, ISA do Ấn Độ dẫn đầu nhằm khai thác hiệu quả năng lượng mặt trời sẽ có thể thay thế Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tương lai không xa.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh "vai trò của các giếng dầu ngày nay sẽ được thế chỗ bằng vai trò của các tia nắng mặt trời trong tương lai," ông Modi đồng thời khẳng định "trong những năm tới, khi thế giới thảo luận các sáng kiến vì lợi ích của nhân loại trong thế kỷ 21, cái tên ISA sẽ ở vị trí hàng đầu".

Còn Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng đánh giá "ISA thực sự tượng trưng cho những điều cần làm và tượng trưng cho tương lai".

Có thể nói trong xu hướng cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thì việc đầu tư, khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được các quốc gia có điều kiện về gió và ánh nắng mặt trời quan tâm.

Cùng với đó thì ISA sẽ có vị trí rất lớn trên bản đồ năng lượng của thế giới.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/vai-tro-cua-isa-tren-ban-do-nang-luong-the-gioi/348416.vgp