Vai trò của MTTQ trong thực hiện quy chế dân chủ

Bằng những chương trình hoạt động cụ thể, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò trong tuyên truyền và vận động nhân dân hiểu, phát huy quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Đồng thời làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân, đảm bảo phương châm 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'.

Quá trình thi công hệ thống cống tiêu thoát nước tại thôn Hải Đông (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) có sự tham gia giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Quá trình thi công hệ thống cống tiêu thoát nước tại thôn Hải Đông (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) có sự tham gia giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Vai trò của MTTQ đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở được thể hiện rất rõ nét trong công tác tuyên truyền về QCDC. Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa, triển khai linh hoạt ở mỗi địa phương để phù hợp với đặc thù vùng miền, như: Tuyên truyền miệng, qua hệ thống truyền thanh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép nội dung pháp luật vào các buổi sinh hoạt của Mặt trận và các cuộc họp nhân dân ở khu dân cư, bằng các tiểu phẩm văn hóa, văn nghệ quần chúng...

Đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ các cấp, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư cũng được yêu cầu chủ động nghiên cứu, quán triệt các quy định về QCDC để tổ chức thực hiện, động viên nhân dân thi hành có hiệu quả.

Thực tế tại TX Đông Triều, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Đang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hưng Đạo, cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về quy định pháp luật nói chung, về QCDC nói riêng, cách làm của MTTQ phường là đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục về nội dung này, vừa xây dựng những hạt nhân là người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng để làm gương cho bà con làm theo.

Nhờ thế, người dân nâng cao trách nhiệm tham gia vào việc chung, tin tưởng gửi gắm ý kiến của mình tới MTTQ và chính quyền địa phương. Nhất là trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình, như: Công tác đền bù GPMB, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế, việc thu chi các khoản đóng góp...

Trưởng Ban công tác mặt trận khu Mễ Xá 3 (bên trái), phường Hưng Đạo, TX Đông Triều, lắng nghe ý kiến nhân dân về công tác thực hiện QCDC ở cơ sở.

Đội ngũ cán bộ mặt trận các thôn, bản, khu phố cũng chủ động thực hiện tốt việc nắm bắt kịp thời, đầy đủ, khách quan về tình hình tư tưởng, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Từ đó đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, tham gia góp ý kiến tới cấp thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Công tác tuyên truyền, vận động cũng được chú trọng, khơi dậy vai trò chủ thể, tham gia tích cực, tự nguyện của nhân dân với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn minh... do MTTQ và các đoàn thể chủ trì, phát động.

Để thực hiện QCDC cơ sở, MTTQ chú trọng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện, bám sát theo Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Các cuộc giám sát tập trung vào việc xây dựng hương ước, quy ước; thành lập ban giám sát các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp; bình xét gia đình văn hóa, hộ nghèo...

Các ban thanh tra nhân dân ở mỗi khu dân cư cũng đã phát huy được hiệu quả trong công tác thanh tra, giám sát các công trình, dự án, tiếp công dân; kịp thời kiến nghị với nhà đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các sai phạm.

Người dân xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) làm phiếu đánh giá mức độ hài lòng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của xã.

Công tác tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp cũng được MTTQ phối hợp triển khai tốt. Vai trò của Mặt trận thể hiện rõ trong tất cả các khâu: Chuẩn bị địa điểm và các điều kiện, cơ sở vật chất khác để tổ chức chương trình tiếp xúc; thông báo rộng rãi cho cử tri biết về thời gian, địa điểm, nội dung để tham dự đầy đủ; chủ động xây dựng chương trình với sự tham gia của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương để trực tiếp lắng nghe, giải đáp, trả lời, giải quyết những vấn đề cử tri nêu lên thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình... Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân đã được kịp thời giải quyết thỏa đáng.

Có thể nói việc tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở đã trở thành trọng tâm của nhiệm vụ đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, nhất là các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Qua đó, Mặt trận khẳng định rõ được vai trò, vị trí của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ:

Trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ, gồm:
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND, UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã. 2. HĐND, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã. 3. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở cấp xã có trách nhiệm giám sát việc thực hiện và tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cấp xã.

Các hành vi bị nghiêm cấm, gồm:
1. Không thực hiện hoặc làm trái các quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã. 2. Trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. 3. Bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. 4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cấp xã để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202006/vai-tro-cua-mttq-trong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-2489271/