Vai trò của ngoại giao công chúng trong quan hệ Mỹ - Trung

Ngoại giao công chúng và sức mạnh mềm sẽ được hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc tăng cường sử dụng để xóa bỏ những hiểu lầm về nhau và để tăng cường ảnh hưởng với thế giới bên ngoài.

Đại sứ Julia Chang Bloch, người sáng lập và Chủ tịch tổ chức Tín thác Giáo dục Mỹ - Trung Quốc (U.S.-China Education Trust) đã chia sẻ như vậy khi trả lời phỏng vấn The Diplomat ngày 5/12 vừa qua. Đại sứ Julia Chang Bloch sinh ra ở Trung Quốc nhưng tới Mỹ từ năm 9 tuổi và trở thành Đại sứ Mỹ gốc châu Á đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Mỹ.

Đại sứ Julia Chang Bloch, người sáng lập và Chủ tịch tổ chức US.-China Education Trust. (Nguồn: CCTV)

Bà có thể chia sẻ vai trò và tác động của ngoại giao công chúng?

Ngoại giao công chúng là một chính sách ngoại giao quan trọng giúp một quốc gia có thể “kể câu chuyện” của mình với các nước khác trên thế giới và là một lĩnh vực đã nhận được nhiều sự chú ý của các nước trong những năm gần đây. Năm 1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã thành lập Cơ quan thông tin Mỹ (USIA), cơ quan này trở thành một “cánh tay” ngoại giao công chúng của Chính phủ, Tổng thống Eisenhower nhìn nhận rằng tương lai của thế giới sẽ được định hình bằng những giá trị kết nối giữa các cộng đồng người dân với nhau chứ không phải bằng sự gắn kết quân sự hay kinh tế.

Edmund Gullion, một nhà ngoại giao Mỹ, người đưa ra khái niệm ngoại giao công chúng cho rằng hình thức ngoại giao này là tạo ra những hình thức đối thoại mở, sự giao lưu nhân dân để tác động tới nhận thức của người dân các nước khác để họ hiểu hơn về chính sách ngoại giao, con người ở quốc gia muốn truyền tải.

Có thể nói rằng, chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ có tác động lớn tới sự sụp đổ của Bức tường Berlin, góp phần xây dựng hình ảnh của Mỹ sau chiến tranh Lạnh. Sự kiện khủng bố 11/9/2001 xảy ra, nhiều người Mỹ, trong đó có cả Tổng thống George W. Bush cũng phải thốt lên rằng “tại sao những kẻ khủng bố lại ghét chúng ta”, mặc dù vậy, giấc mơ Mỹ vẫn có sức hấp dẫn với rất nhiều người trên thế giới, vượt xa cả sức hấp dẫn của những nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, châu Âu, Nga…

Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003, danh tiếng của nước Mỹ trên toàn thế giới giảm mạnh. Điều đáng lưu ý là, những cuộc khảo sát cho thấy người dân trên thế giới không hài lòng với nước Mỹ, tuy nhiên, không phải họ ghét những giá trị của nước Mỹ mà họ cho rằng người Mỹ đã không trung thành với những giá trị của mình. Đây là sự không đồng tình với chính sách của Mỹ chứ không phải là giá trị của con người Mỹ. Sức mạnh mềm của Mỹ vẫn còn tồn tại mạnh mẽ cho tới ngày nay.

Có cách nào để làm sáng tỏ những nhận thức sai lầm giữa Mỹ và Trung Quốc với nhau?

Tôi nghĩ, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta cần phải làm rõ đâu là những nhận thức sai lầm về nhau giữa hai nước. Hai nước hiện đang đứng trước “cái bẫy Thucydides”. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides khi viết về chiến tranh giữa Sparta và Athens đã ngụ ý rằng, nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến Peloponnesian là do Sparta lo sợ sự lớn mạnh không ngừng của Athens sẽ là mối hiểm họa đối với họ (Sparta). Giải thích về “cái bẫy Thucydides” các nhà chính trị học hiện đại định nghĩa: Đó là nỗi lo sợ của cường quốc thống trị trước những cường quốc mới nổi lên. Liệu rằng Trung Quốc và Mỹ có đi vào vết xe đổ đó hay không còn là một câu hỏi chưa có lời đáp nhưng chắc chắn nếu như hai nước hiểu về những giá trị của nhau thì chiến tranh khó có thể xảy ra giữa hai bên.

Giới tinh hoa của Trung Quốc ngày nay tin rằng Mỹ phản đối mạnh mẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc và cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để ngăn cản sự trỗi dậy này và ngăn cản Trung Quốc tìm được một vị trí xứng đáng trên “sân khấu” quốc tế. Nhiều đối tác của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và tước vị thế siêu cường số một của Washington.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng định hướng nhận thức, trao đổi giao lưu nhân dân là những công cụ hiệu quả để các bên xây dựng lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng cấp số nhân kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979 đã tạo ra nhiều sự khác biệt trong nhận thức, khiến hai bên hiểu sai về ý định cũng như lợi ích của nhau, dẫn đến những tính toán sai lầm từ hai phía.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào những con số để tìm kiếm cho một câu trả lời rằng quan hệ giao lưu nhân dân hai nước đang ở mức độ nào. Trong khi có khoảng hơn 300.000 học sinh Trung Quốc học tập tại các trường đại học Mỹ, phần lớn ở các lĩnh vực như kinh doanh, khoa học, công nghệ nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn thì chỉ có khoảng 16.000 học sinh Mỹ đang du học tại Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa và phần lớn những sinh viên này chỉ học tập trong khoảng một năm hoặc thời gian hè. Trung Quốc và Mỹ cần khai thác toàn bộ tiềm năng hợp tác về giáo dục như Thượng nghị sĩ William Fulbright, người sáng lập ra chương trình trao đổi giáo dục hàng đầu nước Mỹ mang tên ông đã khẳng định rằng sức mạnh của việc trao đổi giáo dục là vô cùng quan trọng để gắn kết người dân các quốc gia.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc tại châu Phi. (Nguồn: AP)

Bà có thể đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu trong việc sử dụng sức mạnh mềm của Mỹ và Trung Quốc?

Hiện nay, mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế được định vị không chỉ bằng sức mạnh quân sự và kinh tế mà còn bởi hình ảnh và giá trị quốc gia. Trung Quốc và Mỹ đều đang đi sâu vào một cuộc chiến tranh tư tưởng và đang nỗ lực để định hình những giá trị cũng như những tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với mỗi nước. Để thu hút sự quan tâm của các quốc gia khác mà không cần phải dùng tới khả năng cưỡng chế, việc sử dụng sức mạnh mềm với Mỹ và Trung Quốc đều rất quan trọng. Mỹ đã sử dụng sức mạnh mềm để “thống trị” thế giới phương Tây từ thế kỷ thứ XIX.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn kém cạnh tranh hơn so với Mỹ và Bắc Kinh đang nỗ lực để đuổi kịp sức lan tỏa của Washington. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường quảng bá ảnh hưởng của đất nước thông qua sự thịnh vượng, gắn nỗ lực quảng bá này với các chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, vẫn có sự tham gia của 57 thành viên bao gồm nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực, ngoại trừ Nhật Bản. Trong khi đó, chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ có sự suy giảm rõ rệt với sự đóng cửa của USIA.

Dưới thời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, bà cho rằng ngoại giao công chúng và sức mạnh mềm sẽ góp phần như thế nào trong việc điều tiết quan hệ song phương?

Tổng thống đắc cử Trump đã viết lại lịch sử của cuộc bầu cử Mỹ và ông dự định sẽ viết lại chính sách đối ngoại của nước này. Mặc dù trong chiến dịch tranh cử của mình ông không đề cập cũng không tỏ ra quan tâm tới chính sách ngoại giao công chúng hay sức mạnh mềm nhưng điều đó không có nghĩa là một tín hiệu xấu. Với tài sử dụng truyền thông cũng như khả năng tạo ra các thỏa thuận, ông Trump có thể mang tới một hình thức mới mẻ hơn, tốt hơn cho nền ngoại giao công chúng Mỹ.

Chính sách của ông Trump là “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, điều này có nghĩa rằng ông sẽ quan tâm tới việc nước khác nghĩ gì về nước Mỹ và có thể ông sẽ sẵn sàng đầu tư vào việc triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao công chúng cũng như đẩy mạnh sử dụng sức mạnh mềm. Khi ông thấy hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới đang gặp phải những thách thức, ông sẽ nỗ lực khắc phục nó và nhất định sẽ không để chịu thua Trung Quốc.

Hằng Phạm

(theo the Diplomat)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vai-tro-cua-ngoai-giao-cong-chung-trong-quan-he-my-trung-40543.html