Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc

57 tham luận tại hội thảo đã tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực, đồng thời đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp, bài học kinh nghiệm lịch sử của thời kỳ...

Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại hội thảo

Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, sáng 12/4, tại Ninh Bình, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, định quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình, mở đường cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước trong những thế kỷ tiếp theo. Vua Đinh Tiên Hoàng đặt kinh đô tại Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) trải dài đến nhà Tiền Lê.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định: "Nhà nước Đại Cồ Việt đã phác thảo xong một mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ ở nước ta, xây dựng nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến Việt Nam sau này bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ".

“Nhà nước Đại Cồ Việt đã đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt: kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, luật pháp, mà đỉnh cao là ở các triều đại Lý, Trần và được kế thừa, tiếp nối ở các triều đại Lê, Nguyễn sau này”, bà Thanh nói.

57 tham luận tại hội thảo đã tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực, đồng thời đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp, bài học kinh nghiệm lịch sử của thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Những bài học về kế thừa, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa của thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay được nhiều tham luận đề cập đến.

Đó là rất nhiều di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt đã được duy trì và tồn tại hàng nghìn năm trong lòng người dân. Các di tích thờ Đinh Tiên Hoàng, các nhân vật liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt được phân bố rộng khắp, những lễ hội truyền thống cũng được hình thành, phát triển và duy trì qua các thế hệ để tưởng nhớ, tôn vinh các nhân vật, các sự kiện…

KIỀU MAI SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vai-tro-cua-nha-nuoc-dai-co-viet-trong-tien-trinh-lich-su-dan-toc-post216528.html