Vai trò người thầy trong sáng tạo nghệ thuật

Có dịp tiếp xúc với sinh viên một số trường nghệ thuật - những đạo diễn tương lai trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, điều dễ nhận thấy là sự hoài nghi của họ đối với chương trình đào tạo hiện nay, nhất là với trình độ, năng lực giảng dạy, đứng lớp của một số giảng viên.

Đỉnh điểm của vấn đề được đưa ra mổ xẻ là những khiếu kiện, đơn thỉnh cầu thay giảng viên của sinh viên khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM (trực thuộc Bộ VH-TT-DL) đối với một nữ giảng viên.

Chuyện không mới, đã có từ hơn 2 năm trước, khi báo chí TPHCM lên tiếng về việc sắp xếp giảng dạy không đúng chuyên môn của giảng viên này, như chỉ tốt nghiệp khoa Quản lý văn hóa quần chúng của Đại học Văn hóa Hà Nội và sau đó có bằng thạc sĩ về giáo dục.

Sau đó, thanh tra Bộ đã vào cuộc và có kết luận rằng cô giảng viên này dạy môn nghiệp vụ diễn viên thì phù hợp (chứ không phải nghiệp vụ đạo diễn). Sau đó, trên cơ sở kết luận thanh tra, hội đồng khoa học nhà trường đã họp và quyết định tạo điều kiện để cô giảng viên này được... học chuyển đổi và thi tuyển vào lớp đại học đạo diễn vào cuối năm 2018; trong thời gian đi học vẫn tiếp tục trợ giảng môn công tác đạo diễn sân khấu theo sự phân công của khoa.

Như thế, có thể thấy sự lạ kỳ theo kiểu nước đôi, thế này cũng được và thế kia cũng xong: phù hợp đứng lớp nhưng không phù hợp về bằng cấp, phù hợp vì đã từng học một số học phần liên quan đến sân khấu, còn chưa phù hợp là vì… chưa có bằng cấp chuyên ngành sâu.

Theo hồ sơ giảng viên trường, nữ giảng viên nêu trên là 1 trong 5 giảng viên khoa sân khấu được đánh giá là “chưa phù hợp” về chuẩn giảng dạy đại học và chuẩn về chuyên môn giảng dạy đại học vẫn đang đứng lớp dạy đạo diễn. Dù trường kết luận cô ấy chỉ được “trợ giảng”, nhưng thực tế từ trước khi thanh tra cô ấy vẫn đứng lớp giảng dạy chính thức và riêng năm học này được làm chủ nhiệm 2 lớp và dạy 2 lớp môn nghiệp vụ diễn viên, một trong môn quan trọng bậc nhất của chương trình đào tạo đạo diễn sân khấu.

Cũng cần nói thêm là trường này trước khi lên đại học từ Trường Cao đẳng Sân khấu 2 đã đào tạo cả một thế hệ vàng cho ngành sân khấu như: Thành Lộc, Hồng Vân… mà hiện giờ vẫn cố thắp sáng đèn cho các buổi diễn vì nghề, vì khán giả yêu thích sân khấu. Nói đến thành công trong đào tạo của trường, không thể không nhắc đến các thầy cô như Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng, Công Ninh… đã và đang đứng lớp đào tạo các đạo diễn và diễn viên cho sân khấu TPHCM và các tỉnh phía Nam. Vì họ là những người làm nghề, từng dựng các vở diễn và trải nghiệm, lăn lóc với nghề. Tiếc là họ chỉ là số ít, không thể thổi bùng ngọn lửa đam mê, sống chết với nghề, với sáng tạo nghệ thuật.

Một thống kê cho thấy ngành giáo dục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thiếu trầm trọng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, và chỉ 2 môn ngoại khóa này đã cần tuyển tới 33.000 giáo viên. Song, nguồn tuyển ở đâu khi ngay chính một trường hàng đầu đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp như trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cũng lâm cảnh thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hơn bao giờ hết, câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” lại mang tính thời sự, vẫn còn là mơ ước với chúng ta thời công nghiệp 4.0.

BÍCH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vai-tro-nguoi-thay-trong-sang-tao-nghe-thuat-633823.html