Vai trò quan trọng của việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu

Việc thực hiện chính sách điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu, mỡ nhờn trong giai đoạn 2022-2023 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường ban hành các Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn phù hợp với tình hình bối cảnh kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Nhiều nghị quyết đã được ban hành

Từ đầu năm 2022 đến nay, sự biến động giá xăng dầu thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải, thủy sản...), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc triển khai các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, căn cứ Biểu khung thuế và nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn phù hợp với tình hình bối cảnh kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Cụ thể: Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay (thực hiện từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 10/7/2022); Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa); mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay được giữ theo mức quy định tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15, mức thuế BVMT đối với dầu hỏa áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022); Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022); Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với mức trần trong Biểu khung thuế; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa so với mức trần trong Biểu khung thuế; riêng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế (thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua quá trình triển khai thực hiện chính sách điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước từng giai đoạn.

“Xăng dầu là mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất cũng như đời sống người dân. Do đó, việc giá xăng dầu nói chung tăng, giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô. Sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thực tế cho thấy, mức thuế BVMT được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao) đã kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần làm giảm chỉ số CPI, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh vĩ mô của Đảng, Nhà nước đề ra”, Bộ Tài chính khẳng định.

Ngoài ra, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đánh giá là giải pháp linh hoạt và hiệu quả để góp phần kiềm chế sự biến động tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường.

Người dân, doanh nghiệp ủng hộ

Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng công cụ điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được xem là công cụ thuế khả thi và có hiệu quả nhằm góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định kinh tế vĩ mô và thực tế cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn áp dụng trong thời gian qua để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trong từng giai đoạn.

Việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Thực tế triển khai cho thấy, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã góp phần trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, được thể hiện rõ khi giá bán lẻ xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng các nghị quyết giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đều giảm so với kỳ điều chỉnh liền kề trước.

Việc duy trì chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu mỡ nhờn đã góp phần giảm sự biến động về giá của mặt hàng này, điều này thể hiện qua biên độ biến động về giá bán lẻ xăng dầu từ đầu năm 2023 đến kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 11/10/2023) là không lớn.

Cùng với đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế BVMT được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thời gian qua luôn được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vai-tro-quan-trong-cua-viec-dieu-chinh-muc-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau.html