Vai trò thầy then trong đời sống tâm linh của người Nùng ở Bắc Giang

Nghi lễ then thể hiện đời sống tâm linh phong phú, nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ độc đáo của người Nùng (Bắc Giang). Trong đó, thầy then có vài trò vô cùng quan trọng.

Người Nùng ở Bắc Giang vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó nghi lễ then là một trong những phong tục tiêu biểu. Nghi lễ then thể hiện đời sống tâm linh phong phú đồng thời thể hiện nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ độc đáo của người Nùng nơi đây.

Theo quan niệm của đồng bào Nùng thì những người làm then (thầy then) phải là những người có “căn số” then muốn tránh cũng không được. Người Nùng quan niệm người làm then là những người được các đấng thần linh trên trời phái xuống trần gian cứu độ chúng sinh. Tiếng Nùng then (thẻn) có nghĩa là thiên là trời. Thầy then (pà thẻn) là người của trời. Dân tộc Nùng ở Bắc Giang nói chung và dân tộc Nùng ở Hương Sơn nói riêng thì thầy then thường là người phụ nữ làm, rất ít khi là nam giới. Nếu thầy then là nam giới thì được gọi là “then pựt” (then đực).

Trong cuộc sống, khi đồng bào gặp bất kỳ hiện tượng lạ nào mà không lý giải được hoặc khi họ muốn cầu mong cho cuộc sống của gia đình mình, bản thân mình và con cháu được bình yên, may mắn, khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi thì họ đều tìm đến bà then để được nghe bà then đàn hát. Bà then giống như một bà tiên trên trời với cây đàn tính trên tay gẩy những khúc nhạc, cất lên những lời ca theo mây theo gió vang đến tận trời xanh. Bà then nhờ lời ca tiếng hát của mình đưa những nguyện ước đó đến các đấng thần linh, đến phật quan thế âm bồ tát, đến ngọc hoàng…để biến chúng thành hiện thực. Nếu như ta xóa đi yếu tố mê tín dị đoan trong then thì nghi lễ then quả thực được ví giống như một buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, trấn an tinh thần cho dân chúng.

Người Nùng ở Hương Sơn có các nghi lễ cúng then như sau: Cúng chuộc hồn, cúng tổ tiên, cúng sinh nhật, cúng cầu an, cúng nhà mới, cúng cắt tiền duyên. Thời gian người Nùng ở Hương Sơn mời thầy then về cúng thường là vào mùa xuân và mùa thu. Các nghi lễ then thường được tổ chức vào buổi tối, được gia chủ chuẩn bị từ hôm trước và mời người thân đến dự.

Mỗi năm thầy then có 3 vấn lễ là dịp để các con hương đến trả ơn thầy then đã cúng cho gia đình mình linh nghiệm. Đó là vào dịp đầu tháng giêng, mùng 5 tháng 5, 15 tháng 7 Âm lịch. Kết hợp với dịp trả lễ 5/5 một số thầy then còn làm lễ chuộc vía và gửi vía cho các gia đình có cháu nhỏ.

Người làm then cũng có cấp bậc, mỗi một lần lên chức (lẩu then) thường được thầy then tổ chức rất tốn kém tiền bạc và thời gian. Thời gian tổ chức lẩu then thường kéo dài 2 đêm 3 ngày và phải mời tới 3-4 thầy cúng đến làm lễ, 3-4 người bạn cùng làm then, họ hàng thân thích, bà con lối xóm…

Mỗi một thầy then lại có một đường then riêng của mình. Lời ca tiếng hát khi tiến hành nghi lễ then có nội dung chủ yếu là kể về một hành trình đầy gian nan vất vả vượt qua nhiều thử thách của một đội quân đầy dũng mãnh, quả cảm. Đội quân này có tướng chỉ huy, có quân lính được trang bị vũ khí tinh nhuệ và ngựa chiến. Sau khi thầy then soi hương xin phép thần thánh, tổ tiên thầy sẽ hóa thân theo gió, mây cùng các binh lính lên đường. Trên đường đi họ phải trải qua rất nhiều thử thách cam go, mỗi một chặng đường lại gặp những thử thách khác nhau.

Một cuộc làm then thường là phải kéo dài hết một đêm thì đoàn quân sẽ đến gặp được thánh thần, Nam Tào - Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng để trình bày những lời cầu xin của gia chủ và nhờ hóa giải những kiếp nạn, biến những lời cầu xin của gia chủ trở thành hiện thực. Sau đó là khao lễ quay về hoàn thành một cuộc làm then.

Nghi lễ then của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Giang hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều nét truyền thống tạo nên đặc trưng riêng của dân tộc mình. Thông qua nghi lễ then chúng ta có thể biết được đời sống tâm linh phong phú của người Nùng. Then cũng được coi như một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng, là một nét đẹp trong đời sống của bà con nơi đây.

Theo Dân tộc Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/vai-tro-thay-then-trong-doi-song-tam-linh-cua-nguoi-nung-o-bac-giang-d124190.html