Vai trò truyền thông trước cơn bão kép

Dịch tả lợn châu Phi và sán lợn xảy ra ở Bắc Ninh như một 'cơn bão kép' đối với ngành chăn nuôi lợn. Hiện cả nước đang nỗ lực dập dịch, không để dịch lan rộng. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, các cơ quan chức năng chuyên môn phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tránh thông tin không có lợi lan truyền dẫn tới mất kiểm soát.

Bà Khuất Thu Hồng.

Bà Khuất Thu Hồng.

PV: Thưa bà, chuyện dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã khuyến cáo không lây sang người. Ở góc độ xã hội, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bà Khuất Thu Hồng: Tôi xin nhấn mạnh rằng vấn đề truyền thông, báo chí có vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện nay, nó có thể giúp đỡ một ai đó, đưa ai đó lên “mây xanh” nhưng cũng có thể dìm ai đó xuống “địa ngục”. Truyền thông có thể quảng cáo một mặt hàng nào đó hay xóa sổ một mặt hàng nào đó, hay có thể làm mất đi sinh kế của nhiều triệu người. Như câu chuyện về dịch tả lợn châu Phi thì chỉ ảnh hưởng tới lợn chứ không lây lan sang người và các loại động vật khác. Đó là thông tin quan trọng mà báo chí cần đưa tin về một vùng nào đó đang bị dịch tả. Trách nhiệm của truyền thông là phải viết thông tin một cách đầy đủ, nếu viết không đầy đủ thiếu sự thật sẽ gây ra các tác hại nghiêm trọng.

Trong vụ việc trên, phản ứng của các cơ quan chức năng khá là chậm, ví dụ như ngành y tế, cơ quan dịch tễ và ngành nông nghiệp để cho dịch lan rộng, từ đó tạo ra tâm lý sợ hãi. Đó chính là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Lẽ ra khi bắt đầu có vụ việc như vậy thì cơ quan chuyên môn phải nhanh chóng tổ chức các buổi họp báo để cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về dịch tả lợn Châu Phi, cơ chế lây lan ra sao? cần đưa tin như thế nào? Tương tự là câu chuyện sán lợn cũng vậy. Nhưng chỉ đến khi thông tin đã lan truyền thì các cơ quan chuyên môn mới lên tiếng.

Trên thực tế thì nhiều người dân cũng lo sợ khi xảy ra dịch, gần như ít tìm hiểu thông tin và thay vào đó là ngại sử dụng thịt lợn, thưa bà?

- Trước tiên phải thấy rằng người dân lo sợ là vì đâu? Có phải ai cũng biết về dịch tả lợn châu Phi đâu. Đây là câu chuyện của truyền thông và truyền thông cần có trách nhiệm, có thể cứu người nông dân hay làm cho người nông dân điêu đứng đó là trách nhiệm của truyền thông. Bởi ở góc độ chuyên môn, ngành y tế đã nói vi khuẩn tả của lợn không lây sang người, nhưng dù đã truyền thông song mọi người vẫn sợ hãi đó là truyền thông chưa đủ mạnh. Ví dụ, đưa tin dịch tả lợn xuất hiện ở vùng nào thì cũng phải đầy đủ hơn về cơ chế lây lan của căn bệnh này và cách phòng ngừa như thế nào? Qua đó có thông điệp tích cực hơn về việc vẫn có thể sử dụng thịt lợn, không bị lây bệnh, hay việc sử dụng thịt lợn an toàn có thể hỗ trợ cho người nông dân như thế nào?

Hay gần đây có xảy ra vụ sán lợn ở Bắc Ninh, cũng càng khiến cho người dân có tâm lý e ngại sử dụng thịt lợn. Nhiều khi chỉ là một câu chuyện, là một vấn đề thôi nhưng quá nhiều tờ báo đưa lên khiến cảm giác vấn đề rất nghiêm trọng. Người dân không có trách nhiệm phân tích về những cái đó mà chỉ có cảm giác đến đâu cũng nghe đến câu chuyện sán lợn, điều đó làm cho họ sợ hãi và có tâm lý hoang mang, dẫn đến phòng ngừa một cách thái quá, không cần thiết.

Bà nghĩ sao khi gần đây nhiều thông tin không chuẩn xác trên mạng xã hội của một số cá nhân nói về sán lợn càng khiến người dân lo lắng và bị tác động bởi những thông tin không chính thống?

- Đó là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, còn câu chuyện mạng xã hội thì thời buổi có rất nhiều luồng thông tin khác nhau như thế này thì ta phải có bản lĩnh, lựa chọn nguồn thông tin nào tin cậy. Tuy nhiên để người dân biết và lựa chọn nguồn thông tin nào là tin cậy thì cơ quan chức năng chuyên môn phải kịp thời đưa ra định hướng đúng đắn và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, lúc đó người dân sẽ không bị hoang mang.

Khi cơ quan chức năng chậm trễ trong phản ứng và cung cấp thông tin thì họ chỉ bị chê là chậm nhưng đằng sau đó là người nông dân bị thiệt hại. Theo bà, chúng ta cần khắc phục vấn đề trên như thế nào?

- Đúng là như vậy! Thực ra các cơ quan chuyên môn cùng lắm chỉ bị trách móc là chậm quá. Còn thiệt hại thực sự là sinh kế của người dân, có thể là nhiều người nông dân sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, đời sống. Do đó các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm trong việc này và phải có chiến lược trước những vụ việc nghiêm trọng như dịch có tính chất lây lan thì phải có chiến lược để đối phó với thông tin này ngay từ ban đầu, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thay vì để thông tin lan tràn cho đến mức không thể kiểm soát được nữa, lúc đó mới ra tay thì đã quá muộn rồi.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Nội: Dịch tả lợn châu Phi vẫn có xu hướng lan rộng

Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết, một ổ dịch mới tiếp tục được phát hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ngay sau phát hiện lợn ốm tại điểm này, ngành Thú y đã thực hiện xét nghiệm và kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Để bảo vệ đàn lợn gần 66.000 con, huyện Phú Xuyên đã triển khai các chốt chặn kiểm dịch kiểm soát chặt tại các đường ra vào xã Nam Phong, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 51 hộ chăn nuôi ở 21 xã phường, thuộc 8 quận, huyện, với số lợn phải tiêu hủy trên 1.200 con. Cùng với việc phát sinh ổ dịch mới tại huyện Phú Xuyên, tình hình dịch tả lợn châu Phi ở các địa bàn đã phát hiện trước đó cũng diễn biến phức tạp. Tại huyện Sóc Sơn, sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên (ngày 9/3) tại xã Xuân Thu, những ngày gần đây đã lây lan sang các xã Quang Tiến, Tiên Dược, Nam Sơn, Đông Xuân.

Cùng với khoanh vùng, kiểm soát chặt tại các địa bàn đã xuất hiện ổ dịch, ngành chức năng Hà Nội cũng tăng cường việc khử trùng tiêu độc tại các xã, phường quận huyện chưa phát sinh.

M.P.

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/vai-tro-truyen-thong-truoc-con-bao-kep-tintuc432871