Vải tươi VN 'vượt' biển sang Hà Lan: Bí mật công nghệ

Nếu áp dụng đúng quy trình xử lý sau thu hoạch, quả vải có thể giữ nguyên được độ tươi ngon trong suốt 2 tháng.

Bắc Giang muốn thí điểm mở rộng công nghệ xuất khẩu vải sang Hà Lan

6 tấn vải thiều tươi của Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa vượt biển sang châu Âu bằng container trong 5 tuần. Sau 45 ngày trên biển, số vải này đã cập cảng Hà Lan mà vẫn tươi ngon, giữ nguyên hương vị tự nhiên và có thể để trên kệ siêu thị thêm từ 2 - 3 tuần nữa. Đây là lần đầu tiên vải thiều tươi của Việt Nam xuất sang châu Âu theo đường biển, mở ra một tương lai mới cho xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Âu một cách bền vững, bài bản hơn.

Hoạt động quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan ngày 19/6.

Hoạt động quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan ngày 19/6.

"Rất tự hào, rất vui trước thông tin vải quê nhà đã vào được thị trường châu Âu một cách thuận lợi. Về công nghệ là do phía doanh nghiệp, nhưng phải thừa nhận đây là công nghệ rất đặc biệt, bảo quản tốt mới có thể giữ được vải thiều trong hơn 1 tháng mà vẫn giữ nguyên độ tươi, ngon", ông Dương Thanh Tùng - GĐ Sở NN-PT-NT Bắc Giang chia sẻ.

Ông Tùng cho biết, điều quan trọng nhất khi có được công nghệ bảo quản mới không những sẽ giúp quả vải giữ được tươi lâu hơn mà còn giúp địa phương có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

"Sau thành công của lô vải sang Hà Lan, Bắc Giang cũng có chủ trương tìm hiểu, nghiên cứu thêm về công nghệ bảo quản phía doanh nghiệp Hà Lan đang áp dụng để thí điểm mở rộng trong bảo quản quả vải trên địa bàn.

Nếu áp dụng được công nghệ này trong bảo quản quả vải, không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà còn giúp vải thiều Bắc Giang kéo dài được thời gian, chủ động hơn trong việc tìm đầu ra, không còn lo bị ép giá, hoặc bị thối, hỏng, phải đổ bỏ khi thị trường Trung Quốc từ chối mua", ông Tùng nói thêm.

Theo ông Tùng, qua một vài lô hàng xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu, có thể thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản tươi của các nước rất cao, nếu tận dụng được công nghệ bảo quản, chế biết sau thu hoạch tốt, giữ được hương vị tươi, ngon thiên nhiên của hoa quả chắc chắn tiềm năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam sẽ rất cao.

Để làm được điều này, ông Tùng cho rằng các doanh nghiệp cần nhìn về tương lai lâu dài, chấp nhận đầu tư chi phí cho công nghệ ban đầu để hướng tới một thị trường xuất khẩu bền vững, với giá trị thu về lớn hơn.

Quan trọng là công nghệ chế biến sau thu hoạch

Trước vải Bắc Giang sang thị trường nước ngoài, một số loại trái cây tươi của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Australia, như thanh long, xoài chín, vải, nhãn và gần đây Thương vụ Việt Nam xúc tiến đưa quả xoài xanh sang thị trường này.

Tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ bảo quản vải tươi, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, công nghệ này đã từng được đề cập từ trước đó khoảng 8 năm. Khi đó, công nghệ được áp dụng cho quá trình chế biến, bảo quản vải Thái Lan xuất khẩu sang Pháp và được một nhà nghiên cứu Việt Nam học tập truyền đạt lại cho người dân tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên bây giờ).

Vị chuyên gia cho biết, đặc thù của quả vải tươi là bảo quản rất khó, vì vải chỉ cần hái xuống khỏi cây sau vài tiếng là có thể bị biển đổi màu sắc,bị thâm, héo rất nhanh do nấm.

Chính vì thế, công nghệ chế biến sau thu hoạch có vai trò rất quan trọng. Theo đó, công nghệ của Pháp là hái quả vải xuống sẽ được bảo quản trong một phòng kín, sau đó thổi một lượng nhẹ khí lưu huỳnh trong khoảng thời gian 5 phút để diệt nấm trên vỏ quả vải.

Tiếp đến, quả vải được nhúng qua một loại dung dịch làm sạch rồi thổi qua không khí lạnh.

Khi được thổi qua không khí lạnh, quả vải sẽ hồng lên tự nhiên, rất tươi và đẹp mắt. Tiếp theo, số vải này sẽ được giữ trong phòng lạnh liên tục ở nhiệt độ 5 độ C.

"Với công nghệ này, quả vải có thể giữ nguyên được độ tươi ngon trong suốt 2 tháng liên tục. Nếu xử lý tốt có thể giữ được tới 3-4 tháng", GS Võ Tòng Xuân cho hay.

Về lô vải xuất sang Hà Lan bằng container, vị chuyên gia cho rằng có thể số vải này cũng được xử lý theo công nghệ như vậy và được giữ trong container lạnh suốt hành trình, nhờ thế quả vải vẫn giữ được độ tươi, ngon tự nhiên.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, công nghệ xử lý sau thu hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định giúp quả vải giữ được tươi lâu hơn.

"Nếu việc xử lý quả vải khi hái xuống không tốt thì việc bảo quản cũng khó bảo đảm. Do đó, việc xử lý quả vải trước khi bảo quản, xuất đi là rất quan trọng", GS Võ Tòng Xuân lưu ý.

Nhìn rộng hơn về thị trường nông sản Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân đánh giá, Việt Nam có rất nhiều loại nông sản đặc sản ngon hơn hẳn các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nghèo nàn, ít được đầu tư, trong khi sản phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất thô khiến sản phẩm bị hư hỏng nhanh, không bảo đảm chất lượng, khó tìm được đầu ra.

Vì điều này, ông cho rằng, nếu xử lý tốt khâu chế biến, bảo quản không những có thể mở ra cơ hội xuất khẩu cho hoa quả, nông sản trong nước mà còn giúp nâng cao giá trị sản xuất, giúp cải thiện đời sống cho người nông dân, từng bước xóa cảnh giải cứu vì dư thừa nguồn cung, ách tắc đầu ra.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/vai-tuoi-vn-vuot-bien-sang-ha-lan-bi-mat-cong-nghe-3436787/