Valente Quintana: 'Bàn tay' của công lý

Sẽ không hề ngoa ngôn khi nói rằng, đất nước Mexico hồi cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ XX là mảnh đất của trộm cướp. Những kẻ bất lương đã lợi dụng lúc thời thế bất ổn mà ra sức hoành hành làm khổ người dân lương thiện. Thế nhưng không thiếu những nhân vật dám đứng lên chống lại chúng để bảo vệ công lý và dân lành. Một trong những cái tên nổi tiếng nhất là Valente Quintana, người vẫn được đặt biệt danh: 'viên thám tử thần đồng'.

Tài năng lúc bé hạt mít, đến…

Thật ra, không có nhiều tư liệu về thời niên thiếu của Valente Quintana. Mọi người chỉ biết ông sinh năm 1889, tại thành phố Matamoros, bang Tamaulipas ngay bên kia biên giới với Mỹ. Do điều kiện gia đình khó khăn nên cậu bé Valente chỉ học hết tiểu học rồi vượt sông Rio Grande sang Mỹ tìm việc làm. Cậu nhận được một chân bán hàng tạp hóa tại thị trấn Brownsville, bang Texas.

Một thời gian ngắn sau, Valente phá giải vụ án đầu tiên trong đời mình. Đó là vụ việc ông chủ buộc tội Valente liên tục ăn cắp hàng hóa của cửa hàng. Một số người làm chung thấy thương cậu nên đã đề nghị giúp Valente chạy trốn. Cậu bé thẳng thừng từ chối, thay vì thế cậu tự mình thu thập bằng chứng và bí mật theo dõi mọi người. Valente cũng tìm được chứng cớ chỉ ra kẻ ăn trộm là một nhân viên bán hàng khác chứ không phải cậu.

Được thúc đẩy bởi chiến công đầu tiên của mình, Valente xin vào Học viện Thám tử Mỹ. Sau vài năm khổ cực vừa làm vừa học, chàng thiếu niên cuối cùng tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và nhận được lời mời gia nhập lực lượng cảnh sát Mỹ. Vào thời điểm đó làm một cảnh sát tại miền Tây nước Mỹ là công việc mơ ước của nhiều người. Vì lẽ, không những chỉ được nhận được mức lương cao, mà hơn thế, vừa có biết bao nhiêu quyền thế ở địa phương. Nếu nhận lời, Valente sẽ được phân công tác tại thành phố Corpus Christi, một trung tâm phát triển của bang Texas, từ đó mở ra biết bao nhiêu cơ hội chính trị; cơ hội kinh doanh. Để đổi lại những ưu đãi này, điều duy nhất Valente phải làm là từ bỏ quốc tịch Mexico.

 Thám tử Valente trong lúc đối chất trước tòa.

Thám tử Valente trong lúc đối chất trước tòa.

Vốn là người yêu nước nhiệt thành, Valente thẳng thừng từ chối lời đề nghị. Cậu khăn gói trở về Mexico vào năm 1917, sau đó xin được một chức trợ lý quèn. Mặc cho đồng lương chết đói và điều kiện làm việc thiếu thốn đủ thứ, chàng thám tử vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Valente sẵn sàng "nằm gai nếm mật" để tìm bằng được thủ phạm.

Có lần anh đấu kiếm giữa đường phố với những kẻ bắt cóc để cứu một người thợ cắt tóc. Hay trong một trường hợp khác, Valente đóng giả làm người tiều phu để bị băng cướp đường La Muerte nổi tiếng trấn lột. Anh sau đó lần theo bọn cướp đến hang ổ và trấn áp bắt giữ toàn bộ băng nhóm. Nhờ vào các chiến công liên tiếp mà trong vòng tám năm, Valente nhanh chóng leo lên từ chức trợ lý thành thám tử hạng nhì; thám tử hạng nhất; tổ trưởng tổ điều tra. Rồi nữa là, trưởng phòng thám tử, và giám đốc sở cảnh sát thành phố Mexico.

Chức vụ quản lý đặt lên vai Valente nhiệm vụ mới: Làm sao đào tạo được một lực lượng thám tử chuyên nghiệp, tinh nhuệ?! Ngoài việc trực tiếp tham gia giảng dạy lý thuyết như cách người ta làm tại Học viện Thám tử Mỹ, Valente còn có một phương pháp thực hành vô cùng độc đáo. Ấy là ông bắt các học viên phải đi nghe ngóng tình hình.

…Trở thành người của công chúng

Năm tháng trôi qua vẫn không làm suy giảm trí tuệ Valente Quintana. Ông tiếp tục phá những vụ án khó nhằn theo cách mà ít người ngờ tới. Khi vụ trộm xe ôtô đầu tiên xảy ra ở thành phố Mexico, trong khi mọi người còn đang gãi đầu gãi tai không biết tìm đâu ra thủ phạm, Valente trưng dụng một chiếc Ford mới cứng rồi cố ý đỗ nó lại gần hiện trường. Qua một đêm chiếc xe đã biến mất. Mặc kệ sự chê cười từ đồng nghiệp và công chúng, ông tỉ mẩn lấy mẫu vết bánh xe in trên nền đường. Thực ra trước đó Valente đã bí mật bôi nhựa cây vào lốp xe từ trước. Thế là tên trộm xe được tìm ra chỉ trong một buổi sáng.

Danh tiếng của Valente không chỉ giới hạn trong biên giới Mexico. Một buổi sáng nọ, ông nhận được 87 tờ báo Mỹ khác nhau. Đó là món quà của ông trùm truyền thông Mỹ William Randolph Hearst. Cả 87 tờ báo xuất bản trong vòng một tuần đều nhắc đến chiến công bắt giữ Clara Phillips của Valente. Clara, hay còn được báo chí gọi là "Bà Hổ", dành nhiều năm chạy trốn sau khi giết chết và cuỗm lấy toàn bộ tiền vàng của ông chồng triệu phú.

Valente cũng chính là cảnh sát Mê-xi-cô đầu tiên xuất bản tự truyện. Cuốn sách nói về những chiến công của ông được nhà văn Ignacio Munoz ghi lại và xuất bản năm 1928. Tác phẩm này không những trở thành cuốn sách bán chạy đương thời, mà nó còn là nguồn cảm hứng cho nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, phim truyền hình, v.v… Mexico khác. Trong đó nổi tiếng nhất là hai bộ phim: "El misterio del carro express" - Vụ án tàu tốc hành); and "El mensaje de la muerte" - Lời nhắn từ thần chết.

Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Valente bất ngờ bị tên sát nhân nổi tiếng Víctor Castillo buộc tội. Hắn ta kiện ra tòa rằng, Valente đã sai người sát hại tướng cướp Teodoro Camarena trong quá trình điều tra. Viên giám đốc sở cảnh sát không làm gì cả khi các đồng nghiệp đặt còng lên cổ tay ông. Ông tin rằng công lý sẽ xử đúng người đúng tội. Valente bị giam tại nhà tù Belén, nơi có đến xấp xỉ 100.000 kẻ phạm tội bị ông tống vào tù. Từ gia đình đến báo chí đều lo sợ khả năng ông bị sát hại trong tù. Thật may mắn sao, Valente được giam trong phòng biệt giam.

Vị thám tử trước lúc nghỉ hưu.

Chỉ một tuần sau đó, tòa án bác đơn kiện của Teodoro Camarena, nhưng Valente vẫn chưa được trả tự do. Vì lẽ lại có một kẻ giấu mặt khác buộc tội ông bắt lô hàng lậu 1.000 chiếc mũ rơm Panama rồi sau đó tuồn số mũ này ra thị trường chợ đen. Cũng như lần trước, tòa án không tìm ra bằng chứng gì để có thể buộc tội được Valente. Sau khi ra tù, Valente bất ngờ nộp đơn từ chức. Ông sợ những vụ lùm xùm xoay quanh mình sẽ làm tổn hại danh tiếng ngành cảnh sát Mexico.

Valente "về vườn" làm việc sản xuất nước có ga tại nhà. Thậm chí ông còn sáng chế ra một loại sô-đa lấy cần tây làm nguyên liệu. Vậy nhưng những ngày yên bình của Valente không kéo dài lâu. Ông được gọi trở lại công tác nhằm phá giải vụ ám sát tổng thống Álvaro Obregón trước khi ông này kịp nhận chức. Trên xác của nạn nhân kẻ giết người chỉ để lại một tấm thẻ ghi ba chữ J.L.T.

Kẻ bị nghi ngờ đầu tiên là Joséde Léon Toral, thành viên của một nhóm Thiên Chúa giáo cực đoan. Tổ chức này phản đối quyết liệt Álvaro Obregón vì ông này đã từng dùng quân lính buộc đóng cửa nhiều nhà thờ do quan điểm chính trị của các cha xứ. Sử dụng kiến thức và tinh thần nhân đạo của mình, Valente đã vận động được Joséde Léon Toral khai ra tên thật của người lãnh đạo âm mưu. Đó chính là bà xơ Concepcíon Acevedo de la Llata, người sau này được báo chí đặt biệt danh "Mẹ Conchita".

Tổng thống Emilio Portes Gil hồi phục chức vụ cho Valente Quintana ngay sau khi nhậm chức. Cho đến khi nghỉ hưu Valente còn đạt được nhiều thành tích nữa trong việc tổ chức cán bộ. Ông lập ra đội điều tra đặc biệt để giám sát các khu vực nguy hiểm nhất trong thành phố. Đồng thời, ông cho ra đời một đội cảnh sát khác chuyên điều tra những vụ án liên quan đến cờ bạc, và đội thám tử nữ đầu tiên trên thế giới. Còn việc điều tra thì Valente chưa bao giờ ngừng lại, kể cả khi đã nghỉ hưu.

Trong đám tang của Valente Quintana diễn ra vào năm 1969, hàng trăm nghìn người dân thành phố Mexico đổ ra đường tiễn đưa ông. Cũng từ đó mỗi khi xảy ra một vụ án khó giải quyết, người ta có thói quen nói với nhau: "Nếu như Valente còn sống, ông ấy chẳng đời nào để chuyện này xảy ra!". Để lại đằng sau những công lao trong việc gây dựng nên một lực lượng cảnh sát Mexico hiện đại, chuyên nghiệp, tận tâm và sáng tạo của mình, một khi được người đời trân trọng vinh tặng cho câu đó như Valente quả là vinh dự vô giá đối với bất kỳ người công bộc nào của dân.

Lê Công Hội (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/valente-quintana-ban-tay-cua-cong-ly-624806/