Valentine: Đến miếu cổ trăm năm, giải lời nguyền độc thân

Không quản ngại đường xá xa xôi, nắng nôi, các bạn trẻ sắm sửa chè xôi, bông trái, nhang đèn… chen chân xuống thuyền sang sông, cầu duyên dịp lễ tình nhân.

Miếu nổi Gò Vấp nằm giữa tứ bề chênh vênh sông nước, phương tiện duy nhất là chuyến đò đưa khách sang sông.

Một trong những chốn linh thiêng giới trẻ thường truyền tai: “Nơi nhất định phải đến viếng nếu muốn thoát ế bền vững”.

Nhất là các hội F.A thường kháo chuyện mỗi dịp ngồi lại tám với nhau, bàn về cách “làm thế nào để hết cô đơn” hoặc các lứa đôi muốn đến với nhau bền lâu, nhất định phải ghé khi dự tính chuyện trăm năm.

Nằm chơi vơi giữa sông, thế nhưng Miếu Nổi dường như chưa bao giờ phải cô đơn. Nhất là mỗi dịp lễ lạc, tết nhất, cúng rằm… ngôi miếu nổi lại càng đông vui nhộn nhịp cảnh nam thanh - nữ tú rồng rắn, đưa nhau xuống thuyền sang sông.

Thực hiện chỉ đạo mỗi quận, huyện một tuyến điểm du lịch, UBND P.5, Q. Gò Vấp đã quy hoạch, cải tạo nơi thành thành một những địa điểm du lịch tâm linh của quận, bến bãi đã trở nên sạch sẽ, ngăn nắp và trật tự hơn xưa.

Người dân và du khách kiên nhẫn chờ tới lượt xuống đò.

Từ khi cầu sắt An Phú Đông xây dựng, chuyến phà ngưng hoạt động, chỉ còn các đội ghe thuyền đưa khách sang miếu nổi đi đi về về.

Vợ chồng anh Trần Quang Hòa ở Q. Tân Bình đi lễ và phóng sinh cầu phước.

Lẫn trong dòng người tấp nập xuống thuyền hành hương, có các bạn trẻ đi lễ cầu duyên.

Tay xách nách mang túi đồ cúng, tong tả xuống thuyền, tôi gợi chuyện hỏi thăm. Chị Mỹ Duyên tâm sự: "Nhà em cũng ở gần đây, phía bên Q.12, bố mẹ đặt tên Duyên nhưng tình duyên cứ mãi lận đận, lao đao.

Nghe mấy nhỏ bạn cùng công ty chỉ dẫn, nên hôm nay nhân dịp lễ tình nhân, sắm sửa ít lễ vật, các thứ gồm: 2 trái dừa tươi, trầu cau, hoa cúc và ít giấy tiền vàng mã, nhang đèn… thành tâm khấn xin Ngũ Hành Nương nương phù hộ. Các bạn mách nước, các đồ dâng cúng phải từng cặp, cầu nguyện mới hiển linh", chị Duyên chia sẻ thêm.

Sau nhiều lần trùng tu, xây sửa, cổng chào ngôi miếu cổ với hàng vảy ngói thanh thiên nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

Tọa lạc trên cồn đất nhỏ, khoảng độ 2 ngàn rưỡi mét vuông giữa dòng Vàm Truật, miếu nổi Gò Vấp thường được biết đến với tên gọi Phù Châu miếu nổi, thuộc P.5, Q. Gò Vấp. Được biết ngôi miếu xây cách đây hơn 300 năm vào thời vua Gia Long.

Không thể thiếu những khung hình checkin của các bạn trẻ cùng với cặp rồng cẩn sành sứ óng ả nơi cổng chào.

Băng qua khoảng sân rộng với cây xanh mát mắt, du khách tiến dần vào trong chánh điện.

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi miếu cổ khang trang với nhiều hoa văn trang trí khá ấn tượng. Các bức phù điêu, hoành phi, bao lam, giềng cột cũng được chạm trổ chi tiết; rồng, phượng đắp nổi và cẩn sứ trang nhã. Các mái vòm ghép hình tỉ mỉ công phu đến từng họa tiết.

Ngoài ra, bao cảnh bên ngoài trang trí với các vườn cây hài hòa, tươi mát. Hai bên tường rào điêu khắc các hình tượng tín ngưỡng, điển tích từ thời xa xưa.

Cây Sala – cây của nhà Phật trổ bông thơm ngát.

Khuôn viên miếu khá nhiều cây xanh mát mẻ, đặc biệt ở còn có một cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi. Cây có lá to, vươn rộng, ngả bóng xuống sân, tạo nên một khu vực râm mát để người dân ghé đến có chỗ nghỉ ngơi thoải mái.

Tiền điện là gian thờ Di Lặc Vương Phật trang nghiêm.

Tiền điện: ở trung tâm thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Phía trước tiền điện có tượng Quan Âm Chuẩn Đề tọa trên đài sen, tay cầm pháp khí. Dọc hai bên tường là các bức phù điêu Thập Bát La Hán.

Khu vực trung điện thờ Tề Thiên Đại Thánh, xung quanh tượng là các bao lam làm từ gỗ được chạm khắc theo chủ đề của 4 chữ: Thánh Gia Bảo Điện.

Đông đảo người dân và du khách thành tâm cúng kính trong khói hương nghi ngút.

Chính điện là nơi linh thiêng nhất, nơi các bạn trẻ truyền tai nhau đến cầu duyên.

Chính điện: nơi chính giữa là thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong, đặt năm lọ tượng gỗ thờ các mệnh Kim, Thủy, Hỏa, Thổ, Mộc. Trước điện có bàn hương án thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền.

Phía hai bên thờ Quan Công và Bao Công. Đối diện là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ Pháp với phần tường trang trí hình tùng hạc và Phật Di Lặc.

Sau khi thành tâm khấn vái, xin xăm để biết những vận hạn trong năm tốt, xấu ra sao để biết cách phòng tránh, chị Ngọc Bích nói.

Thắp nhang vòng, với lời ước nguyện thành tâm sẽ được Bà chứng giám, chị Thu Tâm tin tưởng.

Không chỉ riêng các dịp lễ tết, lễ tình nhân 14/2 hàng năm tại miếu nổi, các bạn trẻ cũng thường đến cầu duyên.

Sau tết Âm lịch, trong suốt tháng Giêng, người dân thường đến hành hương tại các đình chùa miếu phủ để cầu gia đạo bình an, công ăn việc làm ổn định và tài lộc trong năm mới.

Tại miếu còn có hoạt động phóng sinh thả cá, chim, rùa,... sau khi dâng lễ.

Theo chị Bích Tuyền, không nên thả chim, cá, rùa phóng sinh tùy tiện, vì một số nơi, mình vừa thả ra lại bị họ bắt lại.

Vòng ra phía sân sau còn có hồ nước trong xanh với nhiều chú rùa thong thả bơi lội và tắm nắng. Nơi đây khách hành hương có thể tạm dừng chân nghỉ ngơi và giải khát.

Vài món chè truyền thống bày bán kèm với các loại nước ngọt và trái cây. Tuy nhiên món chè ngoài việc gợi nhớ thuở còn đánh vần vẽ chữ chứ không có gì đặc sắc, anh Hữu Quang thích thú nói.

Lê Hoàng

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//le-hoi/valentine-den-mieu-co-tram-nam-giai-loi-nguyen-doc-than-c9a48326.html