'Ván bài' Afghanistan - Những người chơi chính

Giống như hai người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ấp ủ một kế hoạch để chiến thắng trong cuộc chiến dài hơi nhất do nước Mỹ cầm chịch. Afghanistan ngày nay đang là một vũng lầy chính sách ngoại giao và quyền lợi an ninh của các quyền lực khu vực và quốc tế. Có thể 'điểm mặt' những 'người chơi' chính trong ván bài này.

Mỹ

Sau khi đổ quân vào Afghanistan ngày 7/10/2001, lực lượng Mỹ ở đây lên tới đỉnh điểm vào tháng 8/2010 với 100.000 quân. Hiện nay, còn khoảng 9.000 binh lính Mỹ tại nước này, cùng một số lượng quân ít hơn nhiều từ NATO.

Hiện nay, chính phủ Afghanistan kiểm soát 60% lãnh thổ, đa số phần còn lại do Taliban nắm giữ. Sự hiện diện của IS ngày càng tăng ở vùng lãnh thổ phía Đông.

Ước tính, Mỹ đã phải chi từ 841 tỷ USD hoặc hơn nhiều cho 16 năm chiến tranh và tái thiết Afghanistan. Mặc dù lúc đầu Tổng thống Trump ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhưng tuần trước, ông lại vừa thông qua quyết định tăng quân.

Pakistan

Vốn là một đồng minh phi NATO của Mỹ, trong một thời gian dài, đường biên giữa Afghanistan và Pakistan là tuyến đường chủ chốt để Mỹ tiếp quản vào Afghanistan. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ và Afghanistan, đó cũng là tuyến đường chính của các nhóm khủng bố và tài trợ khủng bố, đặc biệt là Mạng lưới Haqqani.

Cũng giống như nhiều khía cạnh khác trong chính sách đối ngoại của Pakistan, các hoạt động của nước này ở Afghanistan chịu ảnh hưởng của mối quan hệ với Ấn Độ. Islamabad e ngại rằng quan hệ đồng minh gần gũi với Afghanistan của Ấn Độ sẽ khiến Pakistan bị cô lập và dễ tổn thương trước bất kỳ xung đột tiềm tàng nào.

Pakistan vốn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Afghanistan. Năm 2015, nước này nhập hàng hóa trị giá hơn 392 triệu USD từ Afghanistan.

Ấn Độ

Ấn Độ là đối tác thương mại hàng đầu của Afghanistan, đầu tư của Ấn Độ vào đất nước này đang ngày một tăng. Dehli cũng là nhà tài trợ khu vực lớn nhất của Afghanistan, là nhà tài trợ lớn thứ 5 toàn cầu, với tổng số tiền tài trợ lên đến 3 tỷ USD kể từ năm 2001.

Ấn Độ cũng cung cấp các khóa huấn luyện quân sự và an ninh cho Afghanistan. Tuy nhiên, một số người cho rằng sự tham gia ngày một lớn của Ấn Độ có thể sẽ gây căng thẳng hơn, thậm chí có những xung đột tiềm tàng với Pakistan – nước chỉ trích Dehli đang khích động bạo lực biên giới Pakistan và Afghanistan.

Trung Quốc

Sự tham gia ngày càng nhiều của Ấn Độ với Afghanistan cũng có thể gây căng thẳng thêm với Trung Quốc, trong khi mối quan hệ này vốn đã căng thẳng vào những tháng gần đây về vấn đề lãnh thổ ở Himalaya. Hiện Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh dấu ấn của mình ở Afghanistan.

Mối quan hệ Bắc Kinh – Kabul cũng được thắt chặt một cách rõ ràng. Năm 2014, Tổng thống Afghanistan Ghani đã chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên của mình. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Afghanistan, với các thương vụ tay đôi lên tới 1 tỷ USD năm 2015.

Bắc Kinh cũng tăng đầu tư lên 46 tỷ USD trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) như một phần của sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR), trong đó Trung Quốc cũng định danh Afghanistan là một “người chơi” chính.

Nga

Giống như Mỹ và Anh, Nga hiểu rõ về sự tốn kém khi tham gia vào cuộc chiến Afghanistan. Năm 1979, Nga đổ quân vào nước này, khởi đầu cuộc chiến 1 thập kỷ làm ảnh hưởng lớn đến sự ổn định khu vực và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.

Hiện nay, mặc dù không còn đường biên giới chung với Afghanistan, nhưng Nga luôn lo ngại về sự bất ổn trong khu vực, đặc biệt là sự nổi lên của IS có thể ảnh hưởng tới các quyền lợi của Moscow. Theo một số nguồn tin, mục tiêu của Nga ở Afghanistan được đặt ngang bằng về tầm quan trọng với các mục tiêu của nước này với Trung Quốc và Pakistan.

Kiều Trinh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/van-bai-afghanistan-nhung-nguoi-choi-chinh-3731564-b.html