Ván bài cân não mới của Nga tại Syria: Nguồn cơn sức mạnh Mỹ, Thổ

Nga đang tập trung nỗ lực thúc giục châu Âu hỗ trợ việc tái thiết Syria trong khi muốn đẩy Mỹ rời khỏi nước này.

Sau một vài trì hoãn, hội nghị thượng đỉnh Istanbul cuối cùng đã diễn ra vào cuối tuần qua, quy tụ các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức để thảo luận về hòa bình ở Syria. Cuộc họp bốn chiều ban đầu được lên kế hoạch vào đầu tháng 9, nhưng những khác biệt lớn giữa bốn bên tham gia đã khiến cuộc họp bị hoãn lại.

Hội nghị thượng đỉnh có cả sự tham gia của các bên trong tiến trình hòa đàm Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) và Nhóm làm việc Syria (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ả Rập Saudi, Jordan và Ai Cập). Tuy nhiên, chưa thể điều hòa sự khác biệt giữa và bên trong mỗi nhóm.

Ngoài một tuyên bố chung rất rộng nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu "một quá trình chính trị toàn diện do Syria dẫn đầu và do người Syria làm chủ" để chấm dứt xung đột Syria, vẫn không đạt được thỏa thuận về cách đạt được nó. Các vấn đề chia rẽ chính tiếp tục là số phận chính trị của ông Bashar al-Assad, sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài, câu hỏi về người tị nạn và vấn đề tái thiết, cùng tương lai của các khu vực người Kurd ở phía đông bắc.

Thẻ bài tị nạn của Nga

Sau khi thực hiện các mục tiêu quân sự chính của mình - đánh bại phe đối lập và bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad - Nga đang cố gắng chuyển "chiến thắng" này thành lợi ích chính trị. Moscow tìm cách bình thường hóa tình hình ở Syria bằng cách tập trung vào tái thiết và đưa những người tị nạn Syria quay lại.

Bây giờ, mục tiêu chính trị chính của nước này là thuyết phục các nhà tài trợ tiềm năng, chủ yếu là EU và các quốc gia vùng Vịnh, đổ tiền vào nền kinh tế Syria suy sụp và giúp xây dựng lại đất nước. Lời kêu gọi của Nga để đưa người tị nạn quay lại khá phổ biến ở châu Âu, trong đó, nhà lãnh đạo Nga đang tìm cách thuyết phục Đức – nơi đang đón hơn một triệu người Syria - đưa EU vào một thỏa thuận tái thiết.

Thượng đỉnh 4 bên về Syria chưa tìm được lối đi đột phá. (Nguồn: Reuters)

Nhiều nước EU, bao gồm Đức, dường như sẵn lòng tài trợ cho việc tái thiết ở Syria, nhưng chỉ sau khi đạt được một thỏa thuận chính trị. Nhóm làm việc Syria tin rằng sau khi quân đội Nga "chiến thắng" cùng chính quyền Syria, tài trợ cho việc tái thiết là công cụ duy nhất còn lại trong tay cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên ông Assad và các đồng minh chấp nhận một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Ngược lại, Nga muốn quá trình tái thiết tách rời khỏi bất kỳ quá trình chính trị nào. Sự bất đồng về vấn đề này đã làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh Istanbul – điều được phản ánh rõ ràng trong cuộc họp báo sau đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây "sức ép" khi ông nói rằng thỏa thuận Sochi về khu phi quân sự ở tỉnh Idlib là "một biện pháp tạm thời", ám chỉ rằng một lựa chọn quân sự vẫn còn đang được xem xét. Nhiều người giải thích tuyên bố đó là một lời đe dọa tiềm tàng nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp: Nếu họ không đi theo kế hoạch của Nga, họ nên chuẩn bị cho ba triệu thường dân đang sống ở Idlib chạy trốn về biên giới của họ.

Tại sao Nga thực sự muốn Mỹ ra đi?

Những tuyên bố của ông Putin về Idlib cũng là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu cuối cùng của ông tại Syria là chấm dứt tất cả sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở đó, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, và đặc biệt là Mỹ. Đầu tháng 10, ông Putin nói: "Chúng ta nên theo đuổi một mục tiêu rằng sẽ không có lực lượng nước ngoài, [lực lượng] của các nước thứ ba ở Syria."

Trong thực tế, Nga đã rất băn khoăn bởi việc Mỹ có kế hoạch duy trì một sự hiện diện quân sự tại Syria sau khi kết thúc cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.

Các mục tiêu mà Mỹ muốn đạt được khi quyết định ở lại phía đông bắc Syria đã được khớp trong tháng 9: để ngăn chặn sự hồi sinh của IS, đối phó Iran và ngăn cản nước này thiết lập một hành lang trên bộ qua Iraq và Syria tới Lebanon, đồng thời, sử dụng sự hiện diện quân sự này một con chip thương lượng để gây sức ép tiến hành một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.

Ngày nay, Hoa Kỳ kiểm soát một phần ba lãnh thổ Syria thông qua liên minh với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF); Nga (thông qua chế độ Syria) có ảnh hưởng hơn một nửa đất nước; và phần còn lại là dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ (thông qua lực lượng đối lập Syria mà nước này hỗ trợ).

Khu vực SDF kiểm soát chứa 90% trữ lượng dầu và khí đốt của Syria, bao gồm al-Omar, mỏ dầu lớn nhất nước này, cũng như hầu hết nguồn nước, các đập lớn và các nhà máy điện. Phía đông bắc cũng là vựa lúa mì của Syria. Chừng nào khu vực này còn nằm ngoài tầm kiểm soát, không chính phủ nào tại Damascus có thể sống độc lập với sự viện trợ nước ngoài.

Và người Nga, dù mong muốn gặt hái lợi ích kinh tế sau sự can thiệp quân sự của họ ở Syria, không muốn và không thể cung cấp viện trợ tài chính. Do đó, việc Mỹ rút quân là điều cần thiết cho sự tồn tại của chính quyền Syria và cho sự thành công của liên minh Syria - Nga.

Do đó, nếu không có một thỏa thuận Mỹ-Nga, sẽ không có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện trong giải pháp chính trị ở Syria.

Theo nghĩa này, hội nghị thượng đỉnh Istanbul dường như đã bị thất bại vì Mỹ không có ở đó. Có lẽ vì lý do này mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng vào ngày 11/11, ông sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga về Syria ở Paris.

Tương lai chính trị của người Kurd

Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bờ phía đông của sông Euphrates cũng đang gây rắc rối cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác nhau. Washington hỗ trợ và tài trợ cho SDF, bao gồm các đơn vị bảo vệ nhân dân Kurd (YPG)- được cho là có liên kết với Đảng Lao động người Kurd (PKK) - bên tiến hành tấn công du kích với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc Mỹ hỗ trợ SDF và sự hiện diện liên tục của các lực lượng Mỹ gần biên giới phía nam của nước này với Syria đang trao quyền lực cho người Kurd và nuôi dưỡng tham vọng độc lập của họ.

Trong khi đó, sự hỗ trợ của Pháp cho người Kurd ở miền đông Syria cũng là một cuộc tranh cãi giữa Paris và Ankara trước và trong suốt hội nghị thượng đỉnh Istanbul. Người Pháp trong những tháng gần đây đã mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực để hỗ trợ cho cuộc chiến của SDF chống lại IS.

Nhưng Pháp và Mỹ không phải là những người duy nhất hỗ trợ cho SDF; Nga cũng đang buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận một số quy chế đại diện người Kurd trong bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào về tương lai của Syria.

Với những chương trình nghị sự, lợi ích và mục tiêu khác nhau, rất khó để thấy các cường quốc chính trong cuộc xung đột Syria có thể đạt được thỏa thuận vào thời điểm này.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/van-bai-can-nao-moi-cua-nga-tai-syria-nguon-con-suc-manh-my-tho-20181031114513165.htm