Ván bài cuối cùng của 'Vua Bibi'?

Thủ tướng Israel Benjamion Netanyahu vừa chính thức khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra tại Israel vào ngày 9-4, bất chấp những rủi ro pháp lý đang chờ chực do các bê bối tham nhũng gây ra. Giới phân tích lập tức đưa ra câu hỏi: Liệu đây có phải là 'ván bài cuối cùng' của ông hay không?

Từng được tôn xưng là “Vua Bibi”, Thủ tướng Israel Netanyahu đã trải qua một giai đoạn cực thịnh trên đỉnh cao quyền lực tại Israel suốt một thập niên qua. Xét một cách tổng quát, Netanyahu có lẽ là người ngồi trên chiếc ghế thủ tướng lâu nhất và nhiều năm nhất trong lịch sử Israel. Ông đã làm Thủ tướng Israel 2 lần. Lần trước là nhiệm kỳ ngắn ngủi từ tháng 6-1996 đến tháng 7-1999 và giai đoạn hiện tại kéo dài từ cuối tháng 3-2009.

Nhưng giới phân tích cho rằng, thời gian trên đỉnh cao quyền lực của Netanyahu không còn nhiều. Những cáo buộc, điều tra tham nhũng kéo dài trong nhiều năm và đang diễn ra cấp tập vào thời điểm gần ngày bầu cử đang đánh mạnh vào sinh mệnh chính trị của ông Netanyahu trong kỳ bầu cử này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ngày 28-2, Bộ trưởng Tư pháp Avichai Mandelblit đã đưa ra gợi ý rằng ông Netanyahu nên bị cáo buộc với các tội danh về gian lận, đưa hối lộ và lạm dụng lòng tin liên quan đến 3 vụ án tham nhũng khác nhau.

Trong một vụ án, ông Netanyahu và gia đình bị cáo buộc đã nhận nhiều món quà bất hợp pháp, bao gồm xì-gà Cuba và chi phí xem một chương trình ca nhạc do nữ danh ca Mariah Carey biểu diễn để đổi lấy sự ưu ái chính trị của ông Netanyahu. 2 vụ án còn lại bao gồm những cáo buộc rằng Thủ tướng Netanyahu đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để buộc một số cơ quan báo chí viết bài theo chiều hướng có lợi cho mình.

Các vụ án này từng gây dư luận ồn ào trên báo chí trong những năm qua và ông Netanyahu luôn bác bỏ các cáo buộc nhắm vào mình. Ông cũng còn cơ hội để tự bào chữa trước khi tòa án có phán quyết cuối cùng về các cáo buộc đối với ông.

Tuy vậy, lời gợi ý của Bộ trưởng Mandelblit được tung ra vào lúc này giống như một “quả bom” được thả vào cứ địa tranh cử của ông Netanyahu và dường như đã gây ra những tổn thất chính trị nhất định cho ông. Netanyahu cáo buộc Bộ trưởng Mandelblit là đã chịu khuất phục trước áp lực của cánh tả.

Nhưng giới phân tích cho rằng thà Mandelblit làm vậy còn hơn trì hoãn hoặc không có hành động gì hết vì như thế sẽ tạo điều kiện cho phe đối lập mặc sức “chọc ngoáy”. Nhận xét này có vẻ đúng với thực tế đang diễn ra thời gian qua.

Các cáo buộc tham nhũng và các cuộc điều tra liên quan luôn được dư luận báo chí quan tâm sâu sắc, tạo nên một không khí chính trị nguy hiểm xung quanh ông Netanyahu. Chúng khiến cho uy tín của ông bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, trong những tuần lễ gần đây, một số cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho kết quả ông Netanyahu tụt lại phía sau các đối thủ, xuống vị trí thứ hai sau hai đối thủ đáng gờm là Benny Gantz và Yair Lapid; cả hai đều quyết định liên thủ để chống lại ông Netanyahu.

Dựa vào các kết quả thăm dò dư luận, giới quan sát cho rằng chỉ cần cán cân ủng hộ nghiêng chút xíu về phía đối lập cũng đủ để đặt dấu chấm hết cho cơ may thắng cử của ông Netanyahu.

Khả năng ông Netanyahu bị buộc tội đang tạo ra môt tình huống khó lường cho Israel. Nếu ông Netanyahu bị buộc tội thì đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Israel, một vị thủ tướng đương nhiệm bị điều tra và buộc tội.

Gantz, một cựu chỉ huy quân đội Israel, đã lên truyền hình Israel kêu gọi ông Netanyahu từ chức để mở đường cho cuộc cạnh tranh công bằng hơn giữa các ứng viên còn lại. Tuy nhiên, còn lâu ông Netanyahu mới chấp nhận từ chức như lời kêu gọi của ông Gantz.

Ngược lại, tại một cuộc tập hợp người ủng hộ tại Tel Aviv hôm 4-3, ông Netanyahu đã lớn tiếng “đổ thừa” cho báo chí và các chính khách thiên tả đã “tẩy não” dư luận khiến cho ông rơi vào thế bất lợi trong các cuộc thăm dò. Ông còn kêu ca rằng mình đang bị “săn phù thủy” - ám chỉ việc điều tra các cáo buộc nhắm vào ông cũng tương tự như cuộc điều tra về quan hệ với nước Nga đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều người, kể cả một số người trong đảng Likud, không đồng tình với cách hành xử của Netanyahu, cho rằng ông đang gây nguy hiểm cho chính trị Israel nói chung, rằng ông đang làm cho công chúng Israel dần mất niềm tin vào hệ thống chính trị đất nước.

Benny Gantz và Yair Lapid, hai đối thủ đáng gờm nhất của ông Netanyahu.

Càng bị dồn vào thế khó khăn, Netanyahu càng trở nên bất chấp. Tại cuộc tập hợp cử tri ở Tel Aviv và cả trên mạng xã hội, Netanyahu liên tục đưa ra khẩu hiệu đầy khiêu khích rằng “Hãy chọn hoặc là Bibi hoặc Tibi” - ám chỉ đại biểu quốc hội người Israel gốc Ảrập Ahmed Tibi. Thậm chí, để củng cố vị thế trước ngày bầu cử, ông Netanyahu đã ký thỏa thuận liên kết với hai đảng cực hữu là Jewish Home và Jewish Powerđể hình thành một liên minh 3 đảng cực hữu, điều hiếm thấy trong chính trị Israel.

Trong 3 đảng liên minh đó, dư luận quan tâm đến đảng Israel Power do Meir Kahane lãnh đạo. Ông này là một chính khách dân tộc chủ nghĩa cực đoan, từng bị cáo buộc tội kích động kỳ thị chủng tộc và liên quan đến âm mưu khủng bố. Tờ New York Times (Mỹ) cho biết, đảng Israel Power của Kahane thực chất được sinh ra từ đảng Kach, một tổ chức đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách khủng bố.

Tuy vậy, đối với ông Netanyahu, lịch sử hay sự toàn vẹn của nền chính trị không quan trọng bằng nhu cầu chính trị cá nhân của ông. Trên thực tế, Netanyahu chỉ cần lôi kéo thêm các chính khách cực hữu đó vào liên minh để bảo đảm mình có đủ số lượng đa số trong quốc hội sau bầu cử, để từ đó bảo đảm cho việc tiếp tục ngồi lên chiếc ghế thủ tướng.

Văn Trương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/van-bai-cuoi-cung-cua-vua-bibi-536240/