Văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình

Bạn Minh Vũ ở phường Long Trường, quận 9, TP Hồ Chí Minh hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình được pháp luật quy định thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21-8-2019 của Bộ Y tế, như sau:

1- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 3 tháng.

2- Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề KB, CB trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được KB, CB y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:

- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;

- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng;

- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.

3- Bác sĩ y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề KB, CB trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực, có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng được tham gia KB, CB y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến 4).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2019.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/van-bang-chuyen-mon-giay-chung-nhan-dao-tao-ve-y-hoc-gia-dinh-590672