Vẫn cần tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng, dầu để phục hồi, phát triển

Bắt đầu từ 0h ngày 11/7, đồng loạt các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện điều chỉnh giá bán. Với mức giá hiện tại đã phần nào giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tuy nhiên, vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Người dân mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên đường Tô Hiệu, Thành phố.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 69 doanh nghiệp, với tổng số 162 địa điểm, cơ sở kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn 120/204 xã, phường. Có 3 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu và 1 chi nhánh trực thuộc hệ thống phân phối của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam; các nguồn cung xăng dầu khác từ thương nhân phân phối các tỉnh thành lân cận, khu vực phía Bắc. Bắt đầu từ 0h ngày 11/7, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá giảm từ 3.090-3.110 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu cũng hạ từ 800-3.020 đồng/lít. Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, giá xăng E5 RON 92 giảm còn 28.330 đồng/lít, xăng RON 95-III là 30.260 đồng/ lít, dầu diesel còn 27.120 đồng/lít.

Việc điều chỉnh giảm giá xăng, dầu lần này của của liên Bộ Công Thương - Tài chính được ví như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người dân đang gặp khó, nhất là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, có thêm lực để phục hồi, phát triển, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sau hơn 2 năm chịu tác động dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh hiện có 62 đơn vị vận tải tham gia vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh, với 364 phương tiện hoạt động trên 11 tuyến vận tải đi, đến 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, tần suất hoạt động 219 chuyến/ngày.

Ông Nguyễn Lương Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Sơn La, thông tin: Công ty hiện có trên 120 phương tiện vận tải khách. Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách, lượng khách giảm mạnh, cộng thêm việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn. Vì vậy, việc điều chỉnh giảm giá xăng, dầu từ ngày 11/7 là rất quan trọng và kịp thời. Tuy nhiên, tôi vẫn mong giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm để thêm lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Đơn vị vận tải hành khách luôn chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng, dầu.

Còn ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Lâm Tây Bắc, huyện Mường La, hoạt động lĩnh vực vận tải hàng hóa, chia sẻ: Công ty được thành lập năm 2005, chuyên về vận chuyển vật liệu xây dựng cho địa bàn huyện Mường La, thành phố Sơn La và một số công trình lớn trên địa bàn huyện Mộc Châu. Hiện, Công ty có 6 đầu xe, có tải trọng 48 tấn/xe. Việc giá xăng, dầu tăng cao khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận, vì bù chi cho giá xăng trong khi giá cước vẫn giữ mức, số lượng đơn hàng giảm. Trung bình một xe chở hàng từ Sơn La về Bút Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cả đi và về sẽ tiêu hao hết 480 lít dầu. Trước đây, khi giá dầu ở mức 21.000 đồng/lít chỉ hết hơn 10 triệu đồng; còn đến 21/6, tăng lên trên 30.000 đồng/lít, tiền dầu hết trên 14 triệu đồng, tăng 4,4 triệu đồng so với trước. Việc tăng giá xăng, vật liệu, số lượng đơn hàng giảm, song doanh nghiệp vẫn phải duy trì cước phí cũ để duy trì lượng khách hàng. Từ hơn 20 đầu xe, giờ chỉ còn 6 đầu xe, trong đó chỉ duy trì chạy thường xuyên 2 xe.

Việc giá xăng tăng cũng tác động đến thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động; nhất là những người hành nghề shipper, thu nhập giảm mạnh. Đang đổ xăng tại cửa hàng Petrolimex Tô Hiệu, anh Quàng Văn Hùng, nhân viên giao hàng của sàn thương mại điện tử Shopee, chia sẻ: Tôi được Shopee giao nhiệm vụ ship hàng cho khách hàng trên địa bàn xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Hằng ngày, chạy cật lực từ sáng đến tối, mỗi ngày, tôi cũng chỉ giao được hơn 100 đơn, trong đó, mọi chi phí xăng xe, cước gọi điện thoại, cước 4G để nhập mã vận đơn, chi phí bảo dưỡng xe, cơm trưa... đều do chúng tôi tự túc. Trước đây, bình quân mỗi ngày chỉ hết 60-70 nghìn đồng, thì nay hết trên 100 nghìn đồng. Vì vậy, mỗi ngày tôi chỉ còn được khoảng 150 ngàn đồng. Đợt giảm giá xăng này, tuy không thêm thu nhập đáng kể nhưng chúng tôi cũng rất phấn khởi và mong giá xăng tiếp tục giảm xuống đến mức cũ, giúp chúng tôi đảm bảo thu nhập.

Thời gian này, người nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thời kỳ làm cỏ, bón phân cho cây lúa và các loại cây trên nương. Giá xăng, dầu tăng cao, nên phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng theo đó mà đã tăng gấp đôi so với mọi năm. Đợt giảm giá xăng, dầu đợt này đã giúp cho người dân giảm một phần chi phí sản xuất. Chị Bạc Thị Tâm, bản Ót Nọi, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, cho biết: Gia đình có hơn 2 ha cà phê đang trong thời kỳ làm cỏ, bón phân để cho chất lượng quả thu hoạch tốt nhất. Mỗi máy phát cỏ trung bình hết 2 lít xăng/buổi, với việc giá xăng giảm như hiện tại, giúp chúng tôi tiết kiệm được hơn 10 nghìn đồng/ngày, đối với người nông dân như vậy cũng là đáng kể.

Giá xăng, dầu giảm đã làm vơi bớt nỗi lo tác động giá, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều đợt tăng và giảm giá xăng, dầu cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng, dầu trước đây chưa giảm. Đó là chưa kể dù giảm sâu nhưng giá xăng, dầu hiện vẫn đang ở mức cao, giá đầu vào nguyên vật liệu của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu, trong khi việc tăng giá bán lại cần nhiều thời gian điều chỉnh. Vì vậy, mức giảm giá xăng, dầu lần này chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Doanh nghiệp và người dân mong muốn tiếp tục điều chỉnh giảm giá để giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống.

Thu Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/van-can-tiep-tuc-dieu-chinh-giam-gia-xang-dau-de-phuc-hoi-phat-trien-51735