Vãn cảnh chùa Tết: Đền Bà Chúa Kho cầu gì? Văn khấn để cả năm rủng rỉnh tiền tài

Đền Bà Chúa Kho là một trong những đền, chùa nổi tiếng không chỉ ở Bắc Ninh mà còn được nhiều người cho là linh thiêng bậc nhất ở miền Bắc. Mỗi năm có đến hàng vạn lượt người kéo về đây để thực hiện nghi thức 'vay vốn – trả vốn' tâm linh.

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). (Ảnh: Wikipedia).

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). (Ảnh: Wikipedia).

Đền Bà Chúa Kho cầu gì?

Đền Bà Chúa Kho là một trong những khu di tích lịch sử nằm ở núi Kho, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài mang danh là một di tích lịch sử, nơi đây được khách thập phương biết đến nhiều hơn với vai trò là địa điểm hành hương lý tưởng trong năm, đặc biệt trong những ngày cuối năm và Tết Nguyên đán.

Nhiều người đến đây cho rằng, đền Bà Chúa Kho cầu tài lộc rất linh thiêng, nhất là với giới thương nhân, kinh doanh buôn bán. Với quan niệm 'Đầu năm vay Bà, cuối năm trả nợ' nên cứ đầu năm người dân khắp nơi đến đền Bà Chúa Kho rất đông.

Đầu năm, người ta đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho với mong muốn có một năm vốn liếng dồi dào, tiền bạc dư dả, làm ăn phát đạt. Cuối năm, họ lại mang trả số “vốn” bằng niềm tin ấy để cảm ơn “thần linh” phù hộ. Họ quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, muốn nhờ vía của Bà để ăn nên, làm ra, kinh doanh phát đạt.

Theo quan niệm dân gian, dù nghi lễ “vay vốn” chỉ là tâm linh nhưng người lễ bái phải thành tâm và giữa đúng lời hứa của mình. Người đến vay cần ghi trong sớ rõ ràng là vay bao nhiêu, vay để làm gì và ghi rõ thời gian sẽ trả vốn (trả lễ) là 1 năm, 2 năm hay 5 năm đồng thời phải thực hiện đúng lời hứa của mình.

Cách sắm lễ đi đền Bà Chúa Kho

Người dân đi lễ đền Bà Chúa Kho. (Ảnh: Người đưa tin).

Cách sắm lễ đi đền Bà Chúa Kho rất quan trọng, vừa thể hiện được sự kính trọng của người hành lễ với thần linh lại vừa đề đạt được nguyện vọng của mình. Tuy nhiên nghi lễ này nên được thực hiện một cách khoa học, văn minh, không nên sa đà vào việc sắm lễ quá lớn, vừa tốn kém tiền bạc lại vừa gây mất mỹ quan khi đốt vàng mã quá nhiều.

Đền này gồm 4 ban chính cũng là những ban phải lễ đầu tiên: Tiền Tế, Tứ Phủ Công Đồng, Đệ Nhị Cung, Đệ Nhất Cung (Tam tòa Thánh Mẫu). Trong đó ban Tứ Phủ Công Đồng là sử dụng đồ lễ mặn, còn các ban khác dùng đồ chay.

Sau đó, bạn sẽ tiến hành làm lễ ở các ban khác như ban Cô, Cậu, ban Sơn Trang.

Hướng dẫn cách sắm lễ cụ thể ở các ban như sau:

Lễ chay: hương hoa, trà, quả, phẩm oản… dùng để dâng ban Thánh Mẫu.

Lễ mặn: nếu muốn dùng lễ mặn thì nên mua đồ chay hình tướng gà, lợn, giò, chả. Hoặc có thể dùng đồ mặn là thịt lợn, thịt gà…

Lễ đồ sống: tuyệt đối không dùng các đồ lễ sống gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt tại các ban quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Tứ Phủ Công Đồng.

Cỗ Sơn Trang: gồm những đồ đặc sản chay Việt Nam. Không được dùng cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.

Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: gồm oản, quả, hương hoa, gương, lược…

Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: dùng cỗ chay.

Văn khấn đi lễ để cả năm rủng rỉnh tài lộc

Khi lễ đền Bà Chúa Kho, bạn khấn theo mẫu văn khấn như sau:

“Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Tam giới Thiên chúa cập nhất thiết thánh chúng

Con kính lạy Tam phủ công đồng. Tứ phủ vạn linh

Con kính lạy Thiên tiên Thánh mẫu, Địa thiên thánh mẫu, Thủy tiên Thánh mẫu

Con kính lạy Tứ phủ chầu bà, Ngũ vị Thánh ông, tả hữu quan Hoàng

Con kính lạy Nhị vị Thánh cô, Bát bộ Sơn trang, Thập nhị Tiên nàng

Con kính lạy Đương niên hành khiển chí đức tôn thần

Con kính lạy Đương cảnh Thành Hoàng Bản Thổ đại vương

Con kính lạy Ngũ hổ thần tướng, Thanh Bạch xà thần linh

Con kính lạy Đức Chúa kho Thánh mẫu hiển hóa anh linh cảm thông các sự, chấp lễ, chấp bái, chứng minh công đức phù hộ độ trì cho:

Hương tử con là ....

Ngụ tại .....

Hôm nay là ngày...

Con sắm sửa kim ngân, hương hoa, lễ vật chí thiết một lòng, thành tâm dâng lễ, sám hối cầu xin cho con được: gia quyến bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, bách sự cầu được như ý, vạn sự cát tường.

Chúng con cúi đầu thành tâm kính lễ Chúa kho Thánh mẫu.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!”

Dịp Tết Nguyên đán hay những ngày cuối năm, đền Bà Chúa Kho thường rất đông người. Do đó bạn nên chuẩn bị lễ sẵn từ nhà để thể hiện được sự chu đáo và thành tâm của mình. Ngoài ra, trong khi hành lễ ở đây bạn cũng nên chú ý mặc đồ kín đáo, tránh phản cảm chốn chùa chiền. Hạn chế đeo trang sức đắt tiền để không bị mất cắp tài sản.

Đông Phong

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/van-canh-chua-tet-den-ba-chua-kho-cau-gi-van-khan-de-ca-nam-rung-rinh-tien-tai-97607.html