Vẫn còn bến thủy nội địa chưa chấp hành tốt quy định

Tây Ninh có trên 500km sông, kênh, rạch chính và 27.000 ha diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường thủy nội địa chưa được công bố luồng nên công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa gặp không ít khó khăn

Dọc theo rạch Tây Ninh thuộc địa phận xã Thanh Điền, huyện Châu Thành có nhiều bến thủy nội địa hoạt động.

Thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật về kinh doanh bến thủy nội địa trong tỉnh.

Sau hai đợt kiểm tra trong năm 2023, đợt kiểm tra thứ ba về hoạt động đường thủy nội địa và các bến thủy nội địa diễn ra từ ngày 26.9.2023 đến ngày 29.9.2023 nhằm rà soát khắc phục các tồn tại, vi phạm tại các cảng, bến thủy nội địa (theo biên bản kiểm tra đợt 1).

Hầu hết các chủ, cảng bến thủy nội địa đã khắc phục các lỗi vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số bến thủy nội địa chưa kịp thời khắc phục, bổ sung những thiếu sót còn tồn tại.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Châu Thành, bến Ngọc Vân Khánh, Giấy phép số 34/QĐ-SGTVT cấp ngày 31.1.2023, thời hạn hoạt động đến ngày 31.12.2025, vi phạm: báo hiệu thủy nội địa không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không niêm yết bảng nội quy hoạt động bến thủy; chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định và chứng chỉ người điều khiển phương tiện xếp dỡ.

Bến Hoàng Dung, Giấy phép số 173/QĐ-SGTVT cấp ngày 14.6.2021, thời hạn hoạt động đến ngày 24.6.2026 vi phạm: báo hiệu thủy nội địa không đúng quy chuẩn kỹ thuật, 2 phương tiện xếp dỡ 50XA-4148, 50XA-3037 hết kiểm định.

Bến Nguyễn Huynh, Giấy phép số 357/QĐ-SGTVT cấp ngày 21.12.2021, thời hạn hoạt động đến ngày 21.12.2023, vi phạm: báo hiệu thủy nội địa không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không niêm yết bảng nội quy hoạt động bến thủy.

Hiện vẫn còn một số bến thủy nội địa chưa bảo đảm môi trường. Ảnh minh họa

Trên địa bàn thị xã Hòa Thành, bến Gạch ngói Tây Ninh, Giấy phép gia hạn bến thủy số 889/SGTVT cấp ngày 24.7.2023, thời hạn hoạt động đến ngày 31.12.2023, vi phạm: kè có dấu hiệu bị sạt lở không bảo đảm an toàn giao thông.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã thống nhất cho các bến thủy nội địa trên thực hiện ký cam kết tiếp tục khắc phục các vi phạm và đề nghị chủ bến chỉ sử dụng các phương tiện, thiết bị xếp dỡ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; người điều khiển phương tiện phải có giấy chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

Riêng đối với trường hợp bến Gạch ngói Tây Ninh, đoàn đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, đề nghị chủ bến tiến hành gia cố bờ kè trước khi hoạt động.

Theo ông Nguyễn Thanh Tân- Chánh Thanh tra Sở GTVT, trưởng đoàn công tác cho biết, nhìn chung tất cả các cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa: sử dụng đúng vùng đất, vùng nước đã được cấp phép; tiếp nhận phương tiện có tải trọng, mớn nước, kích thước phù hợp khi vào, rời cảng, bến; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; có phương án phòng, chống cháy nổ theo quy định.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra vẫn còn một số bến thủy nội địa lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa, bảng nội quy không đầy đủ hoặc không đúng quy định; trong quá trình hoạt động khai thác để đất, cát, đá rơi xuống vùng nước hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến bờ kè; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến sông, các công trình vượt sông qua quá trình sử dụng bị bạc màu sơn, không bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy lưu thông. Đây là vấn đề mà ngành GTVT sẽ kiên quyết xử lý, chấn chỉnh trong thời gian tới để bảo đảm các bến thủy nội địa trong tỉnh đi vào nề nếp, chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, qua hoạt động kiểm tra nhận thấy, hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa phát triển mạnh, địa bàn rộng, nên việc kiểm tra, phối hợp kiểm tra giữa các cơ quan chuyên trách để xử lý các hoạt động về giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn đôi lúc chưa kịp thời.

Một số bến thủy nội địa hết hạn giấy phép hoạt động nhưng chậm tiến hành các thủ tục theo quy định để cơ quan có thẩm quyền công bố lại hoạt động; việc đăng kiểm các phương tiện thủy trong khu vực hồ Dầu Tiếng, sông Tha La gặp rất nhiều khó khăn nên ảnh hưởng một phần đến hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Để chấn chỉnh, Sở GTVT kiến nghị Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy có các hành vi vi phạm như: phương tiện lưu thông không đăng ký, đăng kiểm; phương tiện thủy đang hoạt động giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn; người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh...

Hoạt động của các bến thủy nội địa trong thời gian tới sẽ được tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Ảnh minh họa

Riêng Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa, các hành vi vi phạm xảy ra tại cảng, bến thủy do địa phương quản lý theo thẩm quyền.

Chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính - Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với các đơn vị có liên quan ở địa phương tăng cường kiểm tra, lắp đặt lại hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến sông, các công trình vượt sông do địa phương quản lý qua quá trình sử dụng bị bạc màu sơn, không bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy lưu thông.

Cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra, tiếp tục tham mưu công bố hoạt động cảng, bến theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28.1.2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời không cấp lại giấy phép hoạt động đối với các bến thủy nội địa chưa khắc phục các lỗi vi phạm theo kết luận của đoàn kiểm tra.

Thế Nhân

Tây Ninh có 2 tuyến đường thủy nội địa chính là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng.

Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài 105km (từ ngã ba Vàm Trảng Trâu đến điểm giáp ranh tỉnh Long An thuộc xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng), được chia làm 2 đoạn:

Đoạn từ ngã ba Vàm Trảng Trâu đến cảng Bến Kéo, dài 53km, đạt tiêu chuẩn luồng ĐTNĐ cấp III, hiện có 31 bến thủy nội địa;

Đoạn từ cảng Bến Kéo đến giáp ranh tỉnh Long An, dài 52km, đạt tiêu chuẩn luồng ĐTNĐ cấp III, hiện có 4 cảng đang khai thác (cảng Thanh Phước, cảng Xăng dầu, cảng xi măng Fico, cảng Bến Kéo) và 39 bến thủy nội địa.

Sông Sài Gòn: Tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Súc - Bến Củi, dài khoảng 130km (đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 35km), quy hoạch đạt tiêu chuẩn luồng cấp II. Trên tuyến chưa có cảng, hiện có 14 bến thủy nội địa.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 27 bến thủy nội địa hoạt động trên khu vực hồ thủy lợi Dầu Tiếng, hồ Tha La và 26 bến trên các rạch, kênh trên địa bàn tỉnh.

Việc phân bố đa dạng và phong phú của các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tạo ra nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ các tiềm năng về giao thông vận tải; Trong những năm gần đây, việc chú trọng phát triển mạnh giao thông vận tải đường thủy nội địa đã góp phần kéo giảm áp lực cho hoạt động vận tải đường bộ tại địa phương.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/van-con-ben-thuy-noi-dia-chua-chap-hanh-tot-quy-dinh-a166596.html