Vẫn còn điểm nghẽn

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, mọi giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đều phải xuất phát từ DN, do DN đề đạt và hướng tới việc làm sao cho các DN chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh, kỹ năng của nhau để sản xuất ra được các sản phẩm có chất lượng.

Còn nhiều hạn chế

Hiện cả nước có khoảng 1.800 DN CNHT, trong đó tới 1.500 DN về lĩnh vực giày da. Trình độ năng lực của DN hỗ trợ hiện cũng tiến bộ, đã sản xuất một số lĩnh vực như xe máy, xe đạp, ô-tô, dây cáp điện, linh kiện nhựa, săm lốp cao su... Mặc dù có nhiều hỗ trợ, song các điều kiện để được hưởng hỗ trợ rất khắt khe, do vậy CNHT vẫn chưa thể phát triển.

Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, CNHT gặp nhiều rào cản phát triển như nguồn vốn, chuyển giao tiếp cận công nghệ, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực. Tuy vậy, điểm yếu nhất của CNHT là thiếu sự hợp tác liên kết giữa các DN dẫn tới không phát huy được thế mạnh, lãng phí nguồn lực. Chưa kể, việc tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, DN nước ngoài còn yếu vì thiếu sự tin cậy lẫn nhau.

Các DN CNHT phần lớn còn nhỏ bé, để tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN lớn trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến rất nhanh hiện nay thì rất cần đầu tư cho công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều khi không chắc chắn về đầu ra nên không dám đầu tư. Ngược lại các nhà sản xuất cuối cùng rất muốn tìm được các DN CNHT có uy tín, kinh nghiệm, có chân trên thị trường. Do đó rất khó gặp nhau.

Cần có giải pháp cho công nghệ hỗ trợ. Ảnh: TL

Giải pháp từ doanh nghiệp

Nhân tố chính trong phát triển CNHT vẫn là doanh nghiệp (DN), vì thế mọi giải pháp đều phải xuất phát từ DN, do DN đề đạt và hướng tới việc làm sao cho các DN hỗ trợ chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh, kỹ năng của nhau để đưa ra được các sản phẩm có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tăng liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong sản xuất linh kiện, chi tiết, phụ tùng… để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm của họ.

Hiện nay, nhiều công ty lớn có tác động mạnh tới CNHT cũng cho biết họ sẵn sàng hợp tác, liên kết với các DN hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất. Đơn cử, hai trong số nhiều doanh nghiệp lớn về lĩnh vực ô tô Việt Nam cho biết về khả năng tạo chuỗi liên kết, chuyển giao công nghệ. Cụ thể, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải chia sẻ, tại Chu Lai, Công ty đã đầu tư tổng diện tích gần 1.200 ha bao gồm các khu công nghiệp, cảng biển và hậu cần, đô thị. Thaco Chu Lai hiện đang phát triển thành hệ sinh thái tích hợp nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, là nền tảng để tạo ra các giá trị mới, nhằm thu hút các DN tới đầu tư sản xuất.

Ông Trần Lê Phương - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại Vinfas cho biết, Vinfas cũng đang tạo ra chuỗi sản xuất mới, sân chơi mới để cho các DNHT tham gia thể hiện. Cụ thể, dự án sản xuất ô-tô, xe máy điện của Vinfas tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 3 tỷ USD đã được triển khai tại Hải Phòng. Ngoài ra, Vinfas đã dành 70 ha làm CNHT, sẵn sàng mời các nhà đầu tư về CNHT đến đầu tư, hợp tác, mong muốn kết nối với các DN CNHT để cùng thúc đẩy ngành CNHT phát triển.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại thì cần phải làm sao để nâng cao được tỉ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Và cách duy nhất để thực hiện điều này là phải phát triển thành công ngành CNHT, bởi ngành CNHT có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp thì việc ban hành các cơ chế chính sách phù hợp của Nhà nước, Chính phủ cũng mang yếu tố quyết định đối với sự phát triển mạnh mẽ của CNHT. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ rằng, chính sách nhiều khi rất hay nhưng lúc triển khai lại vướng rất nhiều, nhất là thủ tục hành chính rườm rà. Do vậy phải thực sự cải cách hành chính tạo thuận lợi cho DN.

Nhật Phương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-con-diem-nghen-post64848.html