Vẫn còn nhiều cô Mị sống trong bóng tối bạo hành

Liên tiếp các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng của chồng đối với vợ, đặc biệt khi người vợ mới sinh con hay đánh vợ ngay trước mặt con nhỏ tại Bắc Kạn và Hà Nội khiến nhiều người sửng sốt vì còn nhiều người mẹ, người vợ cam chịu sống cùng 'ác quỷ'.

Tội ác lan rộng đến các bé gái

Báo cáo năm 2018 của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam có những con số đáng báo động, nạn nhân bị xâm hại tình dục có độ tuổi chủ yếu từ 12 đến dưới 16 tuổi (chiếm 57,46%); những năm gần đây xuất hiện nhiều vụ nạn nhân dưới 10 tuổi, đặc biệt số nạn nhân dưới 6 tuổi đã xảy ra, chiếm 13,2% số vụ. Độ tuổi của những “cô Mị” đang dần trẻ hóa, đấy mới chỉ là bề nổi những câu chuyện bị phanh phui ra ánh sáng. Số còn lại, không ai biết, nằm ngoài những con số trên giấy, họ sống âm thầm với nỗi đau và cam chịu đến cuối đời không chia sẻ.

Gần đây nhất, chị Vũ Thị Thu L. (SN 1992) bị chồng đánh khi đang bế con 2 tháng tuổi xảy ra tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên); vụ việc chị L.T.H. (trú tại quận Long Biên) tố cáo bị bạn trai cũ ép làm “nô lệ tình dục” suốt 2 năm không có cách nào chạy thoát; cháu bé 9 tuổi bị xâm hại tình dục ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội hai chị em ruột bị hàng xóm xâm hại nhiều năm ở xã Sơn Đông (TX Sơn Tây) dẫn đến một bé có bầu hơn 5 tháng…Những vụ việc cứ nối nhau lên mặt báo, nhưng rồi sau tất cả mọi chuyện, khi các phương tiện truyền thông lắng xuống, nỗi đau đớn khôn nguôi chỉ có những “cô Mị” gặm nhấm một mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trên địa bàn phường Thanh Xuân Nam đã từng xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nhận được thông tin trình báo, Hội Phụ nữ và các cơ quan chức năng đã xác minh, đồng thời khuyên gia đình bị hại cần kiên quyết đưa vụ án ra pháp luật để xử lý. Nhưng đáng buồn thay, gia đình bị hại lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của con nên im lặng, nhất nhất theo phương án đồng ý hòa giải.

Có rất nhiều mái ấm ẩn chứa mâu thuẫn dai dẳng trong gia đình, cuộc sống hôn nhân trở thành địa ngục nhưng không phải người phụ nữ nào cũng dám lên tiếng kể về nỗi đau của mình bởi tâm lý nặng nề “xấu chàng hổ ai”, chẳng ai vạch áo cho người xem lưng, mình lấy chồng tệ bạc mình chịu. Phụ nữ khỏe mạnh, có trí thức còn không dám chống lại cái ác, huống hồ phụ nữ yếu thế. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng lại khó phát hiện và xử lý.

Ngay khâu đầu tiên phát hiện đã khó, thì việc đứng về phía các chị em có hoàn cảnh đặc biệt, xử lý những tên yêu râu xanh càng xa vời. Kết quả khảo sát thực trạng phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực tình dục tại hai huyện Ba Vì (Hà Nội) và Thanh Khê (Đà Nẵng) mới đây của Trung tâm hành động vì sự phát triển của cộng đồng ACDC thu về những con số giật mình, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao (trên 35%). Có những người bị lặp đi lặp lại nhiều lần (trên 10 lần), bao gồm cả hành vi bắt ép quan hệ tình dục.

Chị Trịnh Thị Lê - điều phối dự án liên quan đến người khuyết tật của ACDC cho rằng, một nguyên nhân khiến cho các vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị chìm vào quên lãng là do phần lớn nạn nhân không dám chia sẻ với ai, số rất ít dám đến trình báo chính quyền địa phương vì họ sợ bị đánh giá, mất thể diện hoặc cho rằng chuyện đó là bình thường. Nhiều người khuyết tật chưa chủ động trang bị kỹ năng phòng chống bạo lực tình dục, nên khi bị tấn công, họ hầu như không thể làm gì được. Đa số nạn nhân cảm thấy sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì hoặc im lặng trước các hành vi BLTD. Các hành vi từ lời nói đến hành động ép buộc quan hệ tình dục đã để lại hậu quả tương đối nghiêm trọng cho nạn nhân như nạn nhân cảm thấy bị xúc phạm, coi thường, đầu óc căng thẳng, lo sợ, xấu hổ, thậm chí là mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai…

So với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng còn gặp những khó khăn nhất định như: phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội.

Lắng nghe và kiên trì hành động

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội khẳng định, xây dựng môi trường sống an toàn, xóa bỏ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là thước đo sự tiến bộ xã hội, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi người dân. Hội LHPN Hà Nội kêu gọi cả cộng đồng tiếp tục chung tay, thể hiện quyết tâm hơn nữa trong xây dựng môi trường sống an toàn cho tất cả chúng ta, trong đó có phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái...Thời gian quan, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Thành lập 25 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em”; 32 nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 13 mô hình ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; 8 điểm cung cấp thông tin…

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức 158 buổi trợ giúp pháp lý cho 17.809 người, tư vấn trực tiếp cho 980 trường hợp… Các cấp Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng, chống tội phạm, an toàn trong môi trường xã hội cho cán bộ, hội viên, học sinh tiểu học, THCS…thu hút trên 641 nghìn lượt người.

Tại buổi tập huấn “Kỹ năng tham gia giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức hồi đầu tháng 10/2019, bà Lưu Thị Hồng Mơ, Ban Chính sách Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Cần có thái độ không khoan nhượng với các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em bởi các hành vi bạo lực, xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, đồng thời cần tuyên truyền để các bậc cha mẹ có kỹ năng xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Việc phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em phải từ gia đình. Theo đó, Hội PN các cấp cần tuyên truyền để các bậc cha mẹ có kỹ năng xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, dạy con về giới tính, chú ý đến các mối quan hệ xã hội của trẻ, đặc biệt là các mối quan hệ trên mạng xã hội, dạy con kỹ năng phòng ngừa xâm hại, nắm vững các quy định của pháp luật và cách nhận biết đối với những hành vi xâm hại tình dục trẻ em để bảo vệ con tốt nhất”.

Nhằm giảm thiểu vấn nạn bạo lực tình dục với phụ nữ, trẻ em gái, những người khuyết tật, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng như Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật… hoàn thiện khung chính sách dành riêng cho người khuyết tật trong việc phòng chống bạo lực tình dục thì chính trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật cũng cần được tiếp cận giáo dục, học kỹ năng, nhận diện các hành vi BLTD để lên tiếng...

Việt Đan

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/van-con-nhieu-co-mi-song-trong-bong-toi-bao-hanh-157543.html