Vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế dưới tán rừng

Hiện nay, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía bắc còn gặp một số khó khăn do chính sách về phát triển lâm sản ngoài gỗ chưa được triển khai đồng bộ và triệt để.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị (Ảnh: HƯƠNG QUỲNH)

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị (Ảnh: HƯƠNG QUỲNH)

Ngày 3/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía bắc” để tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh trung du miền núi phía bắc gồm 17 tỉnh có tổng diện tích rừng là trên 5,731 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3,962 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1,796 triệu ha.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng trung du miền núi phía bắc khoảng 52,6%. Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm.

Hội nghị "Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía bắc" tại điểm cầu Lai Châu, ngày 3/12. (Ảnh: HƯƠNG QUỲNH)

Tại Hội nghị, các địa phương đều nhận định, hiện nay việc phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía bắc còn gặp một số khó khăn do chính sách chưa được triển khai đồng bộ và triệt để. Việc nghiên cứu khoa học chưa áp dụng nhiều vào thực tiễn, chưa thương mại hóa thành sản phẩm lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ các công trình nghiên cứu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Chưa có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng bền vững....

Để kinh tế dưới tán rừng phát triển, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, tương xứng với tiềm năng của rừng và đất rừng đặc biệt đối với những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới tổ chức quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương, cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời bảo đảm cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình.

Khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết, cụ thể đến cơ sở theo chức năng của từng loại rừng. Rà soát thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng để cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để mọi người dân sống gần rừng có đất sản xuất, bảo đảm cuộc sống.

Trước kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng trung du miền núi phía bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát. Bên cạnh đó, kích hoạt tất cả các giá trị kinh tế dưới tán rừng dựa trên 3 trụ cột: tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/van-con-nhieu-kho-khan-trong-phat-trien-kinh-te-duoi-tan-rung-676730/